menu_open
Nhà thơ Tố Hữu với kỷ niệm “Ơi đò ba bến”
Xem cỡ chữ:
Nhà lưu niệm Tố Hữu tại xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền. Ảnh: Thái Bình
Mùa Xuân năm 2000, về thăm lại quê hương khi ở tuổi 80 tròn, nhà thơ Tố Hữu vẫn khắc khoải với hình ảnh đòng sông và bến đò xưa: Cả đời lặn lội tha phương/Chiều nay về lại quê hương, bồi hồi/Sông Bồ vẫn lững lờ trôi/Ơi đò Ba Bến, cho tôi sang cùng.
Nhà lưu niệm Tố Hữu tại xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền. Ảnh: Thái Bình

Bến đò mà nhà thơ Tố Hữu nhắc tới, được người xưa đặt tên là bến đò Quai Vạc, dân gian quen gọi là bến đò Ba Bến, đoạn sông Bồ chảy đến làng Bác Vọng, một nhánh rẽ về Thanh Lương, Phước Yên, nhánh khác chảy về Phù Lai rồi đổ ra phá Tam Giang. Dù bến cũ nay đã vắng con đò, nhưng người dân ở Ba Bến vẫn nhớ những dấu tích gắn bó với vùng đất kẻ sĩ ấy.

Bác Vọng là một làng cổ ở Thuận Hóa, thời Trần thuộc huyện Trà Kệ, thời Lê Mạc thuộc huyện Đan Điền, phủ Triệu Phong. Khai canh ra làng là ba dòng họ Đặng, Ngô và Hoàng. Dòng họ Đặng làng này đã để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử dân tộc, với câu thơ khí khái của Đặng Dung: “Nợ nước chưa xong đầu đã bạc/Gươm mài dưới nguyệt biết bao ngày”.

Hàng trăm năm lịch sử thăng trầm, đến thời nhà Nguyễn, người ta thấy nơi đây xuất hiện dòng họ Đặng với ba đời làm rạng danh kẻ sĩ, đó là ông nghè Thượng thư Đặng Văn Hòa và hai cha con nghĩa sĩ Cần Vương Đặng Huy Cát và Đặng Hữu Phổ. Tại bến đò làng Bác Vọng Đông có ngôi miếu thờ thị độc học sĩ Đặng Hữu Phổ. Chuyện kể rằng, năm 1885, ông được Tôn Thất Thuyết đặc cử đi xây dựng sơn phòng Quảng Trị và cùng cha chỉ huy đoàn kiệt quân đánh chiếm Nha huyện Quảng Điền. Không may có kẻ gian phản bội, hai cha con ông bị Pháp bắt và buộc triều đình Đồng Khánh xử án. Nơi ông bị thọ hình chính tại bến đò Quai Vạc lúc tròn 31 tuổi.

Dân làng đã đưa Đặng Hữu Phổ về an nghỉ cạnh ngôi mộ mẹ ông là Công chúa Tĩnh Hòa, một trong ba nữ sĩ, em của hai nhà thơ lớn thời Nguyễn là Tùng Thiện Vương và Tuy Lý Vương (con vua Minh Mạng). Mộ hai mẹ con cách bến đò chừng một km về phía Tây. Lăng, miếu và mộ Đặng Hữu Phổ đã được xếp hạng di tích cấp Quốc gia.

Nói về bến đò và làng Bác Vọng không thể không nhắc tới Phủ Bác Vọng xưa đã từng tồn tại 27 năm dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu  (1712-1739). Ba trăm năm trước, nơi đây từng là tòa ngang dãy dọc kênh mương tấp nập thuyền bè. Chứng tích hiện còn chỉ là ngôi chùa cổ mà dân gian quen gọi là chùa Bác Vọng. Bài minh văn cử Đại học sĩ Đặng Văn Hòa khắc trên chiếc chuông cổ tại chùa cho biết chùa được đại trùng tu dưới triều Tự Đức có tên là Thiện Khánh Tự.

Con đò Ba Bến cũng đã gắn kết hai làng Bác Vọng - Thanh Lương vào số phận vinh quang và cay đắng của dòng họ Đặng. Tư liệu địa phương cho biết, năm 1775, chúa Nguyễn xuất quân chiếm Phú Xuân khiến gia đình ông Đặng Quang Tuấn ở làng Bác Vọng phải dời cư qua làng Thanh Lương. Bắt đầu từ đây, con cháu ông là Đặng Văn Hòa, Đặng Huy Tá, Đặng Huy Cát, Đặng Huy Trứ, Đặng Hữu Phổ... đã thành danh trên cả con đường cử nghiệp lẫn văn nghiệp...

Bờ phía Đông của ngã ba Quai Vạc là làng Phù Lai (Tân Xuân Lai)  thuộc xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền. Đây là mảnh đất quê hương bản quán của đồng chí Tố Hữu, cánh chim đầu đàn của nền thơ ca cách mạng, nhà tư tưởng, nhà chính trị tài ba của thời đại Hồ Chí Minh. Trong mấy mươi năm khói lửa chiến tranh, trong ba lô của người lính luôn có những vẫn thơ của Tố Hữu, đã tiếp thêm sức mạnh để cha ông ta “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Đọc thơ ông người ta hiểu được con đường lịch sử của Đảng và Cách mạng đã trải qua một thời đau thương nhưng vô cùng anh dũng. Hiện trên nền đất ngôi nhà cũ của gia đình ông nay đã được xây cất một khu tưởng niệm khang trang. Đây không chỉ là địa chỉ giáo dục truyền thống mà còn là một di tích lưu giữ những gía trị văn hóa tốt đẹp và có chỗ đứng quan trọng trong lòng người dân, nhất là đối với tầng lớp học sinh, sinh viên, trí thức, văn nghệ sĩ, các bậc lão thành cách mạng và mọi tầng lớp nhân dân.

Sát cạnh làng Phù Lai là làng Niêm Phò, được người xưa gọi là Kẻ Lừ vì chuyên làm nghề đóng đăng bắt cá.  Đằng sau nét hiền hòa, mộc mạc, chân quê, làng đã thấm đậm truyền thống hiếu học và xả thân vì đại nghĩa, với nhiều bậc túc nho của làng như Phó bảng Trần Công Thuyên, Võ Sĩ, Nguyễn Văn Mại - những cây đại thụ Hán học đã làm thơm danh làng Niêm Phò, xứng đáng với lời ví von: “Văn như Niêm Phò/ Võ như Thủ Lễ”.

Niêm Phò còn là quê hương của Trần Thúc Nhẫn, làm quan đến chức Tham Tri Bộ Lễ dưới triều Tự Đức. Năm 1883, ông được vua Hiệp Hòa giao trọng trách thương thuyết với Pháp (đang đánh chiếm Trấn Hải Thành). Công việc không thành, Thuận An thất thủ, ông tuẫn tiết ở ngã ba Sình ngày 20/5/1883. Hiện lăng, mộ của ông ở tại làng Dương Xuân Thượng, xã Thủy Xuân, thành phố Huế và đã được xếp hạng di tích cấp Quốc gia vào năm 1994.

Về Niêm Phò cũng không thể không ghé thăm khu lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà chính trị kiệt xuất, vị tướng tài của quân đội ta, người đồng chí, đồng hương của nhà thơ Tố Hữu.

Mải đi suốt hai cuộc trường chinh của dân tộc, trong ngày vui đại thắng, Tố Hữu lại trở về quê hương, nơi ấy có con đò Ba Bến xưa với nỗi niềm da diết: Cơ chi  anh sớm được về bên nội/ Hôn nỗi đau tan nát Phù Lai/ Như quê bạn, Niêm Phò trơ trụi/ Đạn bom cày cả nương sắn, đồng khoai/ Cơ chi anh sớm được về bên ngoại/ Giữ bờ tre bến nước Thanh Lương/ Thương các cậu, các dì chịu khảo tra, không nói/ Đào hầm nuôi cán bộ tháng năm trường! (Bài ca quê hương - trong tập thơ “Máu và Hoa”).

Hoàng Đăng Khoa