menu_open
Cung An Định
Xem cỡ chữ:
Cung An Định
An Định Cung là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo của triều Nguyễn được xây dựng vào đầu thế kỷ XX, nằm bên bờ sông An Cựu, xưa thuộc phường Đệ Bát - Thị xã Huế, nay mang số 97 đường Phan Đình Phùng, phường Phú Nhuận, thành phố Huế. Nguyên xưa, tòa nhà này được vua Đồng Khánh cho xây dựng và đặt tên là phủ Phụng Hóa với ý nguyện làm quà cho con trai trưởng là hoàng tử Nguyễn Phúc Bửu Đảo (vua Khải Định). Từ năm Thành Thái 14 (1902), Phụng Hóa Công Nguyễn Phúc Bửu Đảo đã lập phủ, đặt tên là phủ An Định.
Cung An Định

An Định Cung là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo của triều Nguyễn được xây dựng vào đầu thế kỷ XX, nằm bên bờ sông An Cựu, xưa thuộc phường Đệ Bát - Thị xã Huế, nay mang số 97 đường Phan Đình Phùng, phường Phú Nhuận, thành phố Huế.

Nguyên xưa, tòa nhà này được vua Đồng Khánh cho xây dựng và đặt tên là phủ Phụng Hóa với ý nguyện làm quà cho con trai trưởng là hoàng tử Nguyễn Phúc Bửu Đảo (vua Khải Định).

  • 1902

    Năm Thành Thái 14 (1902), Phụng Hóa Công Nguyễn Phúc Bửu Đảo (tức vua Khải Định) lập phủ, đặt tên là phủ An Định.

  • 1917

    Năm Khải Định 2 (1917), vua dùng tiền riêng cải tạo lại thành cung theo lối kiến trúc hiện đại.

  • 1919

    Đầu năm 1919, công việc xây dựng hoàn tất, cung vẫn giữ nguyên tên gọi.

  • 1922

    Từ ngày 28/2/1922, cung An Định trở thành tiềm để của Đông Cung Thái tử Vĩnh Thụy (vua Bảo Đại về sau).

  • 1945

    Sau Cách mạng tháng Tám 1945, gia đình cựu hoàng Bảo Đại đã chuyển từ Hoàng cung qua sống tại cung An Định.

  • 1975

    Sau năm 1975, bà Từ Cung đã hiến cung An Định cho chính quyền cách mạng. Cung An Định được sử dụng như một khu nhà tập thể cho gia đình các giáo sư Đại học Huế, sau đó sử dụng làm địa điểm văn hóa công cộng, nơi kinh doanh các dịch vụ ăn uống… Theo thời gian, cung bị xuống cấp khá nghiêm trọng.

  • 2001

    Từ năm 2001, cung An Định được phục hồi, trùng tu.

  • 2002

    Từ năm 2002, cung An Định được chuyển giao cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý, tiếp tục trùng tu, tôn tạo và đưa vào khai thác du lịch cho đến nay.

Cung An Định quay mặt về hướng nam, phía sông An Cựu. Cung có địa thế bằng phẳng, tổng diện tích mặt bằng 23.463m2, chung quanh có khuôn viên tường gạch, dày 0,5m, cao 1,8m trên có hàng rào song sắt bao bọc. Khi còn nguyên vẹn cung có khoảng 10 công trình. Từ trước ra sau là: Bến thuyền, Cổng chính, đình Trung Lập, lầu Khải Tường, nhà hát Cửu Tư Đài, chuồng thú, Hồ nước... Trải qua thời gian và sự tàn phá của chiến tranh, đến nay cung chỉ còn lại 3 công trình khá nguyên vẹn là Cổng chính, đình Trung Lập và lầu Khải Tường. Cổng chính làm theo lối tam quan, hai tầng, trang trí bằng sành sứ đắp nổi rất công phu. Đình Trung Lập, nằm phía trong cửa, kết cấu kiểu đình bát giác, nền cao, bên trong có đặt bức tượng đồng vua Khải Định, tỷ lệ bằng người thật, đúc từ năm 1920.

Lầu Khải Tường là công trình kiến trúc chính của cung An Định. Chữ Khải Tường (nghĩa là nơi khởi phát điềm lành), tên lầu là do vua Khải Định đặt. Lầu 3 tầng, xây dựng bằng các vật liệu mới theo kiểu lâu đài châu Âu, chiếm diện tích tới 745m2. Lầu được trang trí rất công phu, đặc biệt là phần nội thất của tầng 1 với các bức tranh tường có giá trị nghệ thuật cao.
Nổi bật ở tiền sảnh này là 6 bức tranh trang trí trên các mảng tường, có khung gỗ ốp viền, chạm khắc hoa mai, lá sen cách điệu rất đẹp. Sáu bức tranh này tuy không đề tên nhưng khi nhìn hình vẽ, người xem có thể dễ dàng nhận biết đó là phối cảnh thật của 5 lăng:Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh; riêng bức tranh thứ 6 (tính từ trong ra ngoài) chưa rõ vẽ công trình gì. Có ý kiến cho rằng đây có thể vẽ là bức tranh vẽ lăng Khải Định khi đang ở dạng phác thảo trên bản vẽ và sở dĩ bức hoạ không giống với lăng Khải Định hiện nay vì sau chuyến đi Pháp (năm 1920) về, vua Khải Định đã cho thay đổi thiết kế lăng theo kiểu phương Tây nên không còn giống với bức tranh đã vẽ. Cả 6 bức tranh không có chữ ký của hoạ sĩ nên đến nay việc xác định tác giả của 6 bức tranh vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Năm 2003, khi trùng tu 6 bức tranh này, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ở góc của 1 trong 6 bức tranh có chữ ký Nguyễn Văn Ngoan (hay Ngoãn).

So với các công trình kiến trúc xây dựng cùng thời thì Cung An Định là một công trình bề thế được khởi công và hoàn thành sớm nhất. Mở đầu cho thời kỳ lịch sử mỹ thuật Huế tiếp xúc và chịu ảnh hưởng phương Tây, Cung An Định đồng thời cũng tạo được nét đặc sắc riêng khi kết hợp một cách hài hoà giữa hệ đề tài trang trí truyền thống như tứ linh, tứ quý, bát bửu, hoa văn cách điệu với các trang trí cột theo phong cách Roman, bắc đẩu bội tinh hay các thiên thần... mang phong cách châu Âu.
Các công trình lớn nhỏ trong Cung An Định đều có mối quan hệ gắn bó với nhau trong một quan hệ tổng thể hài hoà mang nhiều ý nghĩa tạo nên bức tranh kiến trúc riêng, yên tĩnh nhưng hữu tình giữa lòng đô thị Huế.
Năm 2001, cung An Định được trùng tu và trở thành một trong những điểm tổ chức lễ hội Festival Huế 2002. Năm 2003, Đại sứ quán CHLB Đức đã tài trợ 17.000 euro để phục chế 6 bức tranh tường quý hiếm ở nội thất tiền sảnh lầu Khải Tường. Bằng phương tiện kỹ thuật hiện đại, các chuyên gia phục chế di tích người Đức, đã nghiên cứu, phân tích và phục chế các bức tranh... Nhờ đó một nội thất nhà Khải Tường lâu sang trọng, lộng lẫy như bản thân nó đã từng có đầu thế kỷ XX dần xuất hiện.
Trong các dịp Festival Huế, cung An Định luôn là một trong những địa điểm quan trọng diễn ra các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, triển lãm trưng bày cổ vật... thu hút đông đảo lượng du khách đến tham quan đến Huế, góp phần không nhỏ làm nên thành công của các kỳ lễ hội Festival Huế.
Cùng với các công trình kiến trúc khác thời Khải Định như lăng Khải Định, lầu Kiến Trung, cửa Hiển Nhơn... cung An Định được xem là một đại diện tiêu biểu của phong cách kiến trúc Việt Nam trong giai đoạn tân - cổ điển (Néo - Classique).



Khám phá Huế tổng hợp