menu_open
Trung tâm Thánh tích tượng đài Quán Thế Âm
Xem cỡ chữ:
Quán Thế Âm Bồ tát huế
Vào những ngày đầu xuân, tại Trung tâm VHDL tâm linh Quán Thế Âm (núi Tứ Tượng, xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, TT-Huế) đông đúc người dân khắp mọi miền về đây ngắm cảnh và chiêm bái Quan Âm Phật đài.
Quán Thế Âm Bồ tát huế
 
 
 

Là địa điểm thu hút hàng ngàn Phật tử khắp nơi trên cả nước đến thắp hương cúng bái trong những dịp lễ phật đản, các dịp lễ rằm, đầu xuân năm mới hàng năm, Trung tâm Thánh tích tượng đài Quán Thế Âm (hay còn gọi là Tượng đài Quan Âm, Tượng Phật Đứng) được xây trên núi Tứ Tượng – xã Thủy Bằng – huyện Hương Thủy – tỉnh Thừa Thiên Huế. Để lên đây, phải vượt qua 145 bậc cấp được xây bằng xi măng trải dài dưới những tán rừng thông xanh mát.
Đứng từ trên đỉnh núi bạn có thể thầy 4 ngọn núi như hình 4 con voi chụm lại, núi có tên Tứ Tượng là vì vậy. Quan âm Phật đài tọa lạc tại đỉnh đầu của 1 trong 4 con voi đó. Tượng cao 14m, đài cao 7m trọng lượng 24,6 tấn xi măng.

 
 
  • LỊCH SỬ

  • Năm 1968

    Tượng Phật Đứng được xây dựng.

  • Năm 1975

    Sửa chữa và xây dựng ngôi tượng Bồ tát Quán Thế Âm.

  • Năm 2001

    Chọn ngày vía Khánh đản Bồ tát Quán Thế Âm (19- 6 âm lịch) hàng năm để tổ chức kỳ lễ hội.

  • Năm 2008

    Triển khai xây dựng Dự án quy hoạch tổng thể khu tượng đài và hình thành "Trung tâm Du lịch Tâm linh Quán Thế Âm".

  • Năm 2010

    Dự án được khởi công xây dựng cho đến nay và đã hoàn thành được một số hạng mục chính.

 
 
 

KIẾN TRÚC

Tượng Quán Thế Âm được thiết kế rất đẹp, rất cân đối, nét mặt Bồ Tát hiền từ độ lượng, tay trái cầm bình cam lồ, tay phải bắt ấn cam lồ, toàn thân khoác y trắng lượn sóng mềm mại, ngự trên tòa sen lớn có đường kính hơn 10m. Tượng Ngài được đặt trên bệ lớn hai tầng; tầng trên là nơi thờ tự, tầng dưới để khách thập phương lưu trú, cũng như là nơi tá túc tạm của chư tăng, ni mỗi khi về dự lễ.
Năm 2001, khi BTS Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế quyết định chọn ngày vía Khánh đản Bồ Tát Quán Thế Âm (19/6 Âm lịch) hàng năm để tổ chức kỳ lễ hội, từ đó mỗi kỳ lễ hội hoặc các ngày vía của Ngài, đông đảo người dân trong tỉnh và khắp nơi về đây đảnh lễ, cầu nguyện sự an lành.

 
 
 

Đến Trung tâm văn hóa du lịch tâm linh Quán Thế Âm, chúng ta dễ dàng nhận thấy mọi người đến đây đều có chung một niềm tin, đức Quan Âm Bồ tát sẽ phù hộ và ban phát những điều tốt lành. Vì thế mà ai cũng muốn thắp thật nhiều nhang và có một chai nước "Cam Lồ" mang về. Thắp một nén nhang đứng trước tượng Phật Bà khấn nguyện, sau đó cắm vào chai nước suối một cây nhang và đặt tại đó. Tiếp tục đi chiêm bái, vào bên trong viết sớ cầu an cho gia đình, vãng cảnh chùa.
Trước khi quay về, không quên lấy lại chai nước suối. Ai cũng tin rằng đây là nước "Cam Lồ" mà Quan Âm Bồ tát ban cho, dùng để uống sẽ rất tốt, sẽ xua đi mọi muộn phiền, bệnh tật... Không biết tự bao giờ, người dân sống quanh đó cho hay đến tượng Phật bà sẽ "cầu gì được nấy".
Hà̀ng năm vào các dịp rằm, mồng 1 âm lịch, vía Quán Thế Âm, lễ, Tết du khách thập phương trong và ngoài tỉnh đổ về để cầu phúc, cầu lộc và tham quan ngày càng nhiều. Đây đã trở thành một địa danh nổi tiếng linh thiêng ở đất cố đô.

 
 
 

 

 

Vào những ngày đầu xuân, tại Trung tâm văn hóa du lịch tâm linh Quán Thế Âm đông đúc người dân khắp mọi miền về đây ngắm cảnh và chiêm bái Quan Âm Phật đài.
Bước chân vào chốn linh địa, hình như mọi người đều cảm thấy tâm hồn mình thanh thản nhẹ nhàng hơn. Phần đông, những ai đến viếng thăm chốn này đều cùng chung một tâm nguyện là cầu an cho mình và người thân, mong một năm mới với nhiều may mắn, sức khỏe, vạn sự như ý,… Đây là một nét văn hóa đẹp không chỉ của người Huế mà của người Việt Nam.
Đến Huế rồi, nhất định đây là một địa chỉ đáng ghé, đặc biệt là nhân dịp đầu xuân năm mới.