menu_open
Thấy gì ở “Đàng Trong thời chúa Nguyễn”?
Xem cỡ chữ:
Trong dòng chảy lịch sử dân tộc, Đàng Trong thời chúa Nguyễn có một vị trí quan trọng trong việc xác lập chủ quyền và bộ máy nhà nước, sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đặt nền móng căn bản cho những giai đoạn phát triển tiếp theo.

Bởi vậy, hơn nửa thế kỷ qua, vấn đề lịch sử Đàng Trong đã được giới nghiên cứu trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm. Kế thừa và phát triển những kết quả nghiên cứu có giá trị khoa học, và đáng tin cậy trước đây, cung cấp những tư liệu mới, nhằm làm sáng tỏ những vấn đề còn chưa thống nhất, góp phần bổ sung vào lịch sử Đàng Trong “về tính toàn diện và toàn bộ của lịch sử vùng đất phía Nam của đất nước trong các thế kỷ XVI-XVII-XVIII”. Có thể tìm thấy điều đó ở cuốn sách “Đàng Trong thời chúa Nguyễn” của Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên Huế, do PGS.TS. Đỗ Bang (chủ biên), Nhà xuất bản Tri thức vừa mới cho ra mắt bạn đọc.

Đây là bộ sách dày ngót 600 trang, được in thành hai cuốn, tương ứng với hai nội dung chính của hội thảo khoa học cùng tên, do Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên Huế tổ chức và chủ trì. Cuốn một, đề cập đến quá trình xác lập chủ quyền và xây dựng bộ máy nhà nước ở Thuận Quảng - Đàng Trong; cuốn hai, tập trung làm rõ một số vấn đề về kinh tế, văn hóa, xã hội Thuận Quảng - Đàng Trong.

Về quá trình xác lập chủ quyền và xây dựng bộ máy nhà nước ở Thuận Quảng - Đàng Trong, cuốn sách đã trình bày một cách có hệ thống, cụ thể và khá bao quát. Từ bối cảnh lịch sử trong nước, quá trình mở đất Nam Trung bộ, quá trình khai chiếm xác lập chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa, tổ chức bộ máy hành chính, pháp luật, quân đội… đến tư tưởng thống nhất đất nước. Điều đó “cho thấy, dưới thời chúa Nguyễn không chỉ mở đất trên bộ để Đàng Trong ra đời và định hình lãnh thổ mới có được từ thời chúa Nguyễn Hoàng đến chúa Nguyễn Phúc Chu, để Đại Việt có thêm vùng đất từ Phú Yên đến Bình Thuận (1611-1693), mà còn cả quá trình xác lập chủ quyền biển đảo từ Hoàng Sa đến Trường Sa, cùng các đảo gần bờ, như Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Phú Qúy, Côn Đảo, Phú Quốc” .

Với cái nhìn lịch sử, cùng nhiều tư liệu mới về phủ chúa Nguyễn ở Bác Vọng, đô thành Phú Xuân, chính quyền địa phương hai xứ Thuận Quảng, các tiểu quốc Nam Bàn cùng Thủy Xá và Hòa Xá ở Tây Nguyên, xây dựng và thực thi pháp luật… càng cho thấy rõ hơn sắc diện thể chế và nội lực của bộ máy nhà nước ở Đàng Trong thời chúa Nguyễn. Mặc dù nửa sau thế kỷ XVIII, chính quyền Đàng Trong đang dần suy yếu và dẫn đến suy sụp (do nhiều nguyên nhân) nhưng vẫn đủ sức mạnh để đánh tan các đội quân xâm lược hùng hậu của Xiêm lần thứ nhất vào các năm 1771-1773, của Hà Lan năm 1664, của Anh năm 1703. Đó là đóng góp cần khẳng định của Nhân dân và quân đội ở Đàng Trong thời chúa Nguyễn.

Một số vấn đề về kinh tế, xã hội và văn hóa Thuận Quảng- Đàng Trong. Tuy chỉ đề cập đến một số vấn đề, nhưng đây là những vấn đề lớn, cốt lõi, có tính quyết định đến sự phát triển của xã hội Đàng Trong. Đó là việc khẩn hoang, khai thác vùng đất Nam Bộ, quản lý ruộng đất, thủy lợi và hoạt động nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, khai thác mỏ, giao thông đường thủy, hoạt động trao đổi buôn bán, thương mại, quan hệ giao thương với nước ngoài. Bằng những nghiên cứu công phú, với những tư liệu mới, các tác giả đã dựng lại khá toàn diện bộ mặt của nền kinh tế Đàng Trong thời chúa Nguyễn với những điểm sáng như: Nam Bộ trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu lúa gạo lớn, hàng hóa xuất khẩu có tiếng như đường, đồ gốm sứ, tơ lụa…, chế tạo đồng hồ, kính thiên lý, nhất là nghề đúc đồng phát triển ở đỉnh cao (chế tạo đại bác, đặc biệt là “những chiếc vạc đồng được đúc dưới thời chúa Nguyễn Phúc Tần, nay còn được trưng bày tại Đại Nội Huế”).  

Cuối cùng là một số vấn đề về xã hội và văn hóa Thuận Quảng- Đàng Trong. Đó là, vai trò của chúa Nguyễn đối với dân tộc thiểu số, về giáo dục Nho học và đội ngũ tri thức, tôn giáo và tín ngưỡng dân gian, phong cách trang trí mỹ thuật trên chuông đồng, những dòng gốm sứ giao thương và ký kiểu, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản thời chúa Nguyễn ở Huế.Thông qua nghiên cứu từ các nguồn tư liệu đáng tin cậy, các tác giả đã phác họa bức tranh đa sắc màu với những nét chấm phá đáng quan tâm, như: Cộng đồng dân cư đa chủng tộc, đề cao Tam giáo, văn hóa đặc sắc của cư dân Nam bộ…, về xã hội và văn hóa Đàng Trong thời chúa Nguyễn.

PGS.TS. Đỗ Bang đã có nhận định khá xác đáng giá trị và ý nghĩa về “Di sản thời chúa Nguyễn tồn tại hiện nay là hết sứcc phong phú, đa dạng, bao gồm thành lũy, lăng mộ, đền đài, phố cổ, chùa chiền, nhà thờ, các di vật đồ đồng, gốm sứ đặc sắc. Do vậy, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa thời chúa Nguyễn sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục truyền thống, đời sống tinh thần của người dân, hướng tới mục tiêu đảm bảo sự hài hòa giữa hai yêu cầu bảo tồn di sản văn bóa và phát triển kinh tế- xã hội”. Đó cũng là gợi mở, và đóng góp mà cuốn sách mang lại...                   

Bài, ảnh: Viết Xuân