menu_open
Ngây ngất những vườn kiểng bạc tỉ xứ Huế
Xem cỡ chữ:
Cây mai trên 100 tuổi ở Tịnh Gia Viên
Dạo khắp các sân vườn xứ Huế đều dễ dàng bắt gặp cây kiểng. Cùng với giá trị cao cả về mặt tinh thần, cây kiểng còn có giá trị về kinh tế đến... bất ngờ.
Cây mai trên 100 tuổi ở Tịnh Gia Viên

Những vườn kiểng bạc tỷ

Chúng tôi đến vườn cây kiểng của ông Đỗ Thanh Liêm, tọa lạc cách đường Huyền Trân Công Chúa một đoạn kiệt (hẻm) bê tông. Mặc dầu đã được các anh ở Trung tâm công viên cây xanh Huế giới thiệu nhiều về vườn cây kiểng nơi đây, nhưng khi tận mắt chứng kiến mới thấy hết giá trị hơn những gì mà tôi đã tưởng tượng ra trước đó.

Trong khu vườn rộng 2000m2, được bày trí la liệt cây kiểng. Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là cây sanh đồ sộ, bám vào một ngọn giả sơn rộng gần 2m2, được đặt ngay giữa sân. Thân cây to tướng, lá xanh ngắt, có phần ngọn vươn thẳng lên trời xanh, theo thế rồng thăng.


Chăm sóc cây kiểng

Anh Thông, thợ chăm sóc cây kiểng ở đây cho biết: “Cây sanh này đã hơn 70 năm, giờ có giá hơn 1 tỷ đồng!”. San sát trong vườn còn có nhiều cây sanh, lộc vừng, mai cổ thụ khác. Cây nào cũng có phần gốc to bự, xù xì nhưng dáng vẫn rất thanh thoát… Ông Đỗ Thanh Liêm nhẩm tính: Trong vườn hiện có 5 cây có giá trị mỗi cây hơn 1 tỷ đồng, còn lại đa số là trên dưới 500 triệu đồng/cây.

Một trong những người có bề dày chơi cây kiểng trên đất Huế hiện nay là ông Nguyễn Hữu Vấn ở 7/28 Lê Thánh Tôn, là chủ nhân nhà hàng Tịnh Gia Viên.

Ông bắt đầu sưu tầm và chăm sóc cây kiểng từ năm 1968, đến nay, sở hữu nhiều cây kiểng có giá trị, với tuổi cây trên trăm năm. Ông có cây sanh có người trả mua 1 tỷ đồng nhưng không bán. Năm 2009, có một số người buôn cây kiểng phía Bắc vào hỏi mua không được, họ lập mưu ăn trộm trót lọt.

Nhưng dường như cây kiểng chỉ bén duyên với chính nghĩa. Vô vọng thời gian dài, một hôm, bà Tôn Nữ Thị Hà (phu nhân ông Vấn) công tác ra Bắc tình cờ phát hiện cây sanh của mình đang triển lãm tại hội chợ sinh vật cảnh Hải Dương. Nhờ có bức ảnh của gia đình đứng bên cây trước đó làm chứng cớ, Công an tỉnh đã ra Hải Dương thu hồi, bàn giao lại cho gia đình vào năm ngoái.

Cùng với cây sanh, Tịnh Gia Viên còn có 2 cây mai, một long thăng, một long ngọa đều có giá trị bạc tỷ. Các chậu kiểng khác có giá từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng rất nhiều.

Kỹ sư Lê Thông Tính, Đội trưởng cây kiểng Trung tâm công viên cây xanh Huế cho hay: - Huế còn rất nhiều vườn kiểng nổi tiếng, khó kể ra hết. Riêng tại vườn kiểng của công ty có hơn 3000 chậu cây, trong đó, có cây sơ ri hiện lớn nhất Việt Nam; cây mai ngự, cây kim quýt, cây chổi… rất có giá trị.

Điều thú vị là đa số người trong giới đam mê sinh vật cảnh đều có tấm lòng hào hiệp, sẵn sàng giúp đỡ nhau. Ông Đỗ Thanh Liêm tâm sự: “Vườn kiểng có được hôm nay, một phần rất lớn là nhờ những người đi trước, trong đó, có anh Chiến, một nghệ nhân sinh vật cảnh nổi tiếng đất Nam Định. Dù đường sá xa xôi nhưng khi mình cần, điện thoại là anh sắp xếp vào ngay, bởi anh rất trân trọng “máu” chơi sinh vật kiểng của gia đình mình…”.

Bản thân ông Liêm cũng vừa đầu tư hơn 1 tỷ đồng, xây dựng khu nhà rường ngay trong vườn kiểng, mở quán cà phê mang tên “Phúc-Lộc-Thọ”, sẽ khai trương vào tháng 5 tới. Chúng tôi hỏi: Vị trí vắng vẻ thế này liệu có khách không? - Ông trả lời: Tôi mở quán cà phê không phải để kinh doanh, chủ yếu để những người đam mê sinh vật cảnh đến thưởng thức cây cối, trao đổi kinh nghiệm!...

Giá trị tinh thần vẫn là chủ đạo

Vì sao cây kiểng lại có giá trị kinh tế lớn như vậy? Ông Liêm giải thích: -Giá trị chính của cây cảnh chính là giá trị tinh thần. Cây càng cổ thì càng có giá trị; đặc biệt là những cây có nguồn gốc từ cung điện, phủ đệ của vua chúa. Nó na ná giống như cổ vật, ai yêu quý, muốn sở hữu được thì phải mua.

Ngoài ra, còn có nhiều lý lẽ rất thường tình như khi xây xong một ngôi nhà, biệt thự hay khách sạn, muốn có một vài chậu kiểng để trang trí cho tương xứng với công trình của mình; hoặc cũng có một vài quan niệm về mặt tâm linh…


Giống mai ngự quý hiếm đang được bảo quản tại Công viên cây xanh Huế

Theo ông Nguyễn Hữu Vấn, một cây kiểng phải hội tụ 4 yếu tố: rễ, thân, cành và lá. Rễ phải đều 4 bên, điểm xuyết và phải tỷ lệ với thân. Thân bao gồm dáng và thế: dáng là bên ngoài, trực hay huyền; thế là tinh thần của cây, vững chãi hay mềm mại, nhẹ nhàng hay thoáng đãng. Cành dưới phải lớn hơn cành trên. Lá phải tươi, không bị sâu…. Cây kiểng có giá trị còn căn cứ vào tiêu chí: cổ, kỳ, mỹ. Cổ là tuổi cây, càng cao càng quý. Kỳ là kỳ lạ, đột biến. Mỹ là phải đẹp...

Ông Phan Đình Ngôn, Giám đốc Trung tâm công viên cây xanh Huế nhận định: Có một thời gian dài, do điều kiện kinh tế khó khăn nên nghề cây kiểng Huế nói riêng và sinh vật cảnh nói chung có phần mai một. Song, tâm hồn người Huế vẫn thoáng đãng, còn lưu giữ phong cách chơi cây kiểng và đã phát triển mạnh trong những năm gần đây. Chúng tôi sẽ thành lập hội sinh vật cảnh thành phố, để tổ chức các hoạt động đào tạo, tham quan, học hỏi nâng cao tay nghề cho các hội viên. Hội sinh vật cảnh còn là môi trường tốt, để tập hợp bảo tồn các cá thể, nguồn gen cây kiểng quý, vốn là thế mạnh của vùng đất cố đô!

Cây kiểng ở Huế vẫn có nhiều điểm riêng so với nhiều vùng khác trong cả nước. Chẳng hạn như mai Huế hoa nở có màu vàng đậm, mùi thơm nhẹ nhàng. Cánh hoa phần nhiều chỉ 5 cánh, theo thế ngũ phúc: phúc, lộc, thọ, khang, ninh. Lá tự rụng trước khi nở. Hoặc như cây sanh Huế có lá nhỏ và láng. Đặc biệt, ở Huế còn có cây mai ngự. Đây là loại mai trước đây chỉ trồng trong hoàng thành Huế. Đặc điểm của mai ngự là lá dài hình răng cưa; mỗi năm ra hoa 2 lần vào mùa Xuân và mùa Thu. Hoa có sắc màu vàng đậm, hương thơm, nụ to thể hiện sức sống mãnh liệt. Hiện nay, giống mai này đang được lưu giữ tại Trung tâm công viên cây xanh Huế.

Ở Huế còn có một loại cây mà một thời dân Huế rất ưa chuộng như một triết lý nhân sinh, đó là cây địa lan. Đặc điểm của hoa này chỉ nở 1 lần 1 hoa; hoa này sắp tàn thì hoa kia nở, như 1 mẹ 1 con vậy. Hoa có màu xám tro rất đẹp. Xưa, các cụ thường ngồi uống nước trà bên địa lan, thường lấy tay vuốt lá, làm cho lá hoa thêm đen bóng. Loài hoa này hiện còn trồng ở nhà bác Vĩnh Ký đường Trần Hưng Đạo, TP Huế.

Đặng Thành