menu_open
Phát triển mô hình trồng mai vàng xứ Huế: Hướng đi phù hợp của người dân phường An Tây
Xem cỡ chữ:
Ảnh minh họa
Thú chơi cây cảnh từ lâu đã là thú chơi tao nhã của người Huế; cùng với các hội chim cảnh, cá cảnh mới phát triển trong giai đoạn vài chục năm trở lại đây; nghề chơi bonsai cũng trở thành trào lưu khi đời sống người dân ngày càng trở nên dư dả hơn.
Ảnh minh họa

Vừa qua, Hội Nông dân Thành phố Huế đã tổ chức chuyến tham quan, tập huấn cho hội viên Hội Nông dân tại các phường, xã trên địa bàn thành phố Huế, đưa các hội viên đến với các mô hình chăn nuôi, trồng trọt để tìm ra phương thức phù hợp cho mỗi địa phương, phát triển kinh tế cho người dân. Các mô hình bao gồm: nuôi cá lồng ở phường Thuận An; mô hình nuôi lươn không bùn của xã Hương Phong và mô hình trồng mai của phường An Tây,…Trong đó, mô hình trồng mai của phường An Tây là một trong số các mô hình nhận được sự thu hút, quan tâm của các hội viên.

Đồng chí Châu Thị Thúy Kiều - Đảng ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân phường An Tây cho biết: dù xuất phát điểm là một phong trào tự phát nhưng hiện nay mô hình trồng mai của phường An Tây là một trong những mô hình hiệu quả, đem lại lợi nhuận cao cho người dân nơi đây. Hiện nay tại địa phương đã có đến trên 30 hộ trồng mai vàng tập trung chủ yếu ở các tổ dân phố 8, 9, 10. Trung bình mỗi năm, bà con các hộ trồng mai đều thu lãi từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng. Điển hình có mô hình trồng mai của anh Nguyễn Khoa Vui; anh Trương Hồng Thắng và anh Trương Ngọc Tứ.

Được sự giới thiệu của Hội nông dân phường, chúng tôi ghé thăm vườn mai của anh Trương Hồng Thắng; anh Thắng cho biết: Mục đích trồng cây mai ban đầu của anh xuất phát từ thú chơi tao nhã với cây mai và cũng do kế thừa truyền thống của gia đình; cũng bởi mai là giống cây cảnh thuộc một trong “tứ quý” rất được người Huế ưa chuộng. Cùng với quá trình chơi và chăm sóc cây mai, qua quá trình tìm hiểu học hỏi; anh đã tiến hành nhân giống và bán cho các khách hàng trong và ngoài Tỉnh; tham gia bán ở Hội chợ hoa xuân vào dịp năm hết tết đến. Ngoài nghề trồng mai; anh Thắng cũng từng đảm nhiệm vai trò nguyên Chủ tịch Hội Nông dân phường An Tây và hiện nay là phó Chủ tịch HĐND phường. Ngoài anh Thắng, tại phường còn có những hộ trồng mai quy mô từ vài chục đến hàng trăm chậu. Trong đó có hộ anh Nguyễn Khoa Vui và anh Trương Ngọc Tứ.

Anh Nguyễn Khoa Vui vốn có nghề nghiệp chính là chủ một cửa hàng ăn uống trên địa bàn. Tuy nhiên bên cạnh công việc kinh doanh, anh còn tập trung thời gian vào việc trồng, chăm sóc và nhân giống, tạo thế, dáng cho cây mai để đem triển lãm và buôn bán trên thị trường. Anh Vui chia sẻ: việc chăm sóc mai cũng khá đơn giản nhưng đòi hỏi sự chú tâm của người chơi; như việc tưới nước hàng ngày hay bón phân đều phải quan sát liều lượng vừa phải. Phun thuốc đầy đủ để loại trừ các loại bọ trĩ, sâu cuốn lá; cắt tỉa cành và vệ sinh thân cây khỏi các loại nấm mốc. Quan trọng hơn hết là chọn đúng thời điểm để uốn thế và tạo dáng, cắt cành cây Mai cho phù hợp với thế tự nhiên của từng cây. Cũng có nhiều công đoạn phức tạp như tạo dáng cho bộ rễ, điều này đòi hỏi công và thời gian rất dài. Bởi thế chăm mai thì không khó nhưng để có được một chậu mai vàng có giá trị thì tốn kém cả thời gian lẫn công sức. 

Cách không xa vườn Mai của anh Vui là khu trồng mai của anh Trương Ngọc Tứ; anh Tứ cho biết: Cũng như anh Thắng, ban đầu anh trồng mai chỉ vì đam mê; nhưng từ năm 2012 trở lại đây; nghề trồng mai cảnh bỗng nhiên nở rộ và giá trị cây mai được nâng cao. Ý thức được những thuận lợi bởi kinh nghiệm trồng mai lâu năm của mình; anh quyết định chuyển sang kinh doanh mai. Nhờ nghề trồng mai, kinh tế gia đình anh ngày một đi lên và đủ chi phí để trang trải cuộc sống. Trung bình hằng năm hộ gia đình anh thu lãi hằng trăm triệu đồng. Nhận xét về việc định giá các chậu cây mai vàng mà anh đang trồng, anh Tứ chia sẻ thêm: Để đánh giá một cây Mai có giá trị bao nhiêu còn tùy thuộc vào cảm tính của từng chủ vườn Mai; nhưng đồng thời khách hàng cũng có sự “thông minh” nhất định khi tìm mua một chậu mai cảnh mà người ta ưng ý.

Hiện nay trên thị trường Mai vàng Huế; những cây mai khoảng 30 - 60 tuổi có giá trị dao động từ 100 đến vài trăm triệu đồng trên một cây, thậm chí có thể đắt hơn. Có những gốc mai tuổi đời cả trăm năm được rao bán với giá một đến vài tỷ đồng. Việc phát triển mô hình trồng Mai vàng xứ Huế tại phường An Tây là một hướng đi phù hợp với không gian và vị thế vốn có của địa phương; phát huy được tiềm năng và thế mạnh của nghề trồng mai truyền thống, đem lại hiệu quả thu nhập và đảm bảo đời sống ổn định cho bà con người dân.

Nguyễn Văn Cương