Áo dài từ lâu đã trở thành trang phục truyền thống, niềm tự hào và là một trong những biểu tượng văn hóa của dân tộc Việt Nam. Nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển của chiếc Áo dài, Cố đô Huế tự hào là chiếc nôi sản sinh ra Áo dài với vai trò đặc biệt của Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát, người đã có công lớn trong việc cải cách trang phục Đàng Trong từ năm 1744 và khai sinh ra chiếc áo ngũ thân huyền thoại. Cố đô Huế còn tự hào về hoàng đế Minh Mạng, vị vua anh minh với nhiều công lao to lớn, đồng thời cũng là người đã phổ biến, nâng tầm và tôn vinh để chiếc Áo dài trở thành quốc phục của nước ta. Vì thế, Huế là cái nôi và cũng là kinh đô của Áo dài Việt Nam – nơi còn lưu giữ các giá trị đặc trưng của Áo dài truyền thống và là nguồn cảm hứng trong việc sáng tạo nhằm nâng cao giá trị của chiếc Áo dài với tư cách là một di sản.
Với mục tiêu bảo tồn, phát triển trang phục truyền thống, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có quyết định phê duyệt đề cương Đề án “Huế - Kinh đô Áo dài”. Theo đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đưa ra những nhiệm vụ chính để xây dựng Huế trở thành Kinh đô Áo dài như: Nghiên cứu, sưu tầm, xây dựng cơ sở dữ liệu áo dài Huế; Xây dựng các chương trình, hoạt động, video, clip và tổ chức quảng bá, truyền thông hình về áo dài Huế; Tổ chức Ngày hội Áo dài Huế định kỳ hàng năm, trở thành sản phẩm văn hóa đặc sắc của Huế; Tạo lập và quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Huế - Kinh đô Áo dài”.
Việc xây dựng thương hiệu “Huế- kinh đô áo dài Việt Nam” thực ra là câu chuyện phục hưng một di sản văn hóa truyền thống, đưa di sản ấy vào cuộc sống đương đại, và để nó tỏa sáng như vốn đã từng. Nhưng còn hơn thế, sự tỏa sáng của “Kinh đô áo dài” không chỉ là thương hiệu về văn hóa, mà còn vì sự phát triển bền vững của chính Thừa Thiên Huế trên nền tảng bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa Huế.