menu_open
Nghề làm đầu lân xứ Huế - Mang niềm vui Tết Trung thu đến muôn nhà.
Xem cỡ chữ:

Nghề làm đầu lân xứ Huế

- Mang niềm vui Tết Trung thu đến muôn nhà

Cứ đến dịp Tết Trung thu, từ các con ngõ nhỏ đến mỗi tuyến phố lớn ở Cố đô Huế, cũng như các đô thị khác trong khu vực miền Trung, đâu đâu cũng rộn ràng tiếng trống và từng đoàn múa lân biểu diễn phục vụ du khách, người dân địa phương thưởng lãm. Và để có được những chiếc đầu lân uy nghiêm, oai vũ giương cao dũng mãnh trong đêm vui Trung Thu phải kể đến sự miệt mài không mệt mỏi của các nghệ nhân làm đầu lân – những con người của mảnh đất Thần Kinh đã bao đời “giữ lửa” cho một ngành nghề truyền thống đặc sắc, thấm đượm tâm hồn Cố Đô.

Với nhiều nét đặc thù về văn hóa, nghề làm đầu lân ở Huế đã có từ lâu đời. Đây là nghề “cha truyền con nối” và được nhiều gia đình ở Huế gìn giữ, duy trì hàng chục năm qua.

Các công đoạn làm đầu lân xứ Huế

Lân Huế không chỉ nổi tiếng vì sự tỉ mỉ, tinh tế, mà còn bởi nhiều chi tiết sáng tạo và đẹp mắt. Để làm ra được những đầu lân đẹp, hợp ý khách hàng cũng khá vất vả, qua nhiều công đoạn và đòi hỏi sự khéo léo, cẩn thận, tỷ mẩn của người làm đến từng chi tiết vẽ hoa văn. Có như thế mới kết hợp hài hòa màu sắc giữa các bộ phận của chiếc đầu lân để thể hiện được sự dũng mãnh, uy vũ của lân. Họa tiết trang trí ở đôi mắt cũng là nét khác biệt của đầu lân Huế so với các địa phương khác.

Làm đầu lân có 2 cách, một là làm bằng khuôn rồi bồi giấy lên khuôn. Hai là làm bằng khung sườn. Những “khuôn lân” được tạo hình bằng những thanh tre lồ ô và mây rừng. Sau khi hoàn thành công đoạn này, đầu lân được thợ dán lên một lớp vải, lớp giấy rồi đem phơi nắng. Tiếp đó là công đoạn vẽ trang trí cho sản phẩm từ mắt, râu đến đuôi đầu lân được may bằng vải. Qua bàn tay của những nghệ nhân tài hoa, hình đầu lân xuất hiện với hình thái uy nghiêm và mang nét đặc trưng của đầu lân xứ Huế.

Thời gian bắt đầu làm đầu lân

Với mục đích tạo ra nhiều sản phẩm đầu lân tinh tế, đáp ứng thị hiếu của khách hàng, ngay từ tháng 5 âm lịch, những cơ sở làm đầu lân ở Huế đã bắt đầu xuất ra những lô hàng cho thị trường trong và ngoài tỉnh phục vụ cho dịp Tết Trung thu với mẫu mã, kích thước khác nhau, từ các đầu lân có kích cỡ nhỏ dành cho thiếu nhi, đến cỡ trung bình và cỡ lớn. Vì thế mà giá thành của đầu lân cũng dao động từ vài chục, vài trăm đến vài triệu đồng.

Thời đại mỗi ngày một phát triển, nghề làm đầu lân kiểu cung đình Huế ngày càng mai một dần, hiện tại ở TP. Huế số lượng gia đình đang còn làm đầu lân theo kiểu truyền thống chỉ đếm trên đầu ngón tay. Với những người làm đầu lân, dường như họ không chỉ coi là công việc mưu sinh mà còn là nơi để gửi gắm những tình cảm, cảm xúc của mình vào những nguyên vật liệu vốn “vô tri vô giác” nhưng luôn mang lại thú vui cho cả trẻ con và người lớn khi mỗi mùa Trung Thu về.

Địa chỉ các cơ sở sản xuất đầu lân tại Huế:

1.Cơ sở sản xuất đầu lân Thu Đông tại số 213 Phan Đăng Lưu, thành phố Huế.

2.Cơ sở sản xuất đầu Lân Thu Lan tại số 4/12 Nguyễn Phúc Nguyên Tp.Huế

3.Cơ sở sản xuất đầu lân Quốc Khánh, 144/7 Lê Duẩn, phường Phú Thuận, TP.Huế

4.Cơ sở sản xuất lân sư rồng 7/68 Đặng Huy Trứ, TP. Huế

5.Cơ sở sản xuất lân gia đình bà Trương Thị Kim Chi - phường Phú Hòa, TP. Huế

Một số hình ảnh đẹp