menu_open
Nghề làm Diều Huế
Xem cỡ chữ:
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Đăng Hoàng trình diễn các thao tác làm diều Huế
Không phải là một làng nghề truyền thống nhưng nghề làm diều ở Huế đã ra đời ít nhất trên 300 năm, từ một thú chơi tiêu khiển đơn sơ nơi thôn quê của con trẻ, dần dần được người lớn phát triển thành con diều có hình dáng phức tạp hơn, cuối cùng được giới thượng lưu ở kinh thành Huế nâng lên thành "nghệ thuật múa rối trên không”.
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Đăng Hoàng trình diễn các thao tác làm diều Huế

Làng nghề

Diều Huế

Lịch sử Diều Huế

Ngược dòng thời gian trở về trước năm 1945, theo ý muốn của vua Bảo Đại, Phủ Doãn Thừa Thiên thường xuyên tổ chức thi thả diều nghệ thuật; từ đó xuất hiện những tên tuổi lớn như cụ Nguyễn Văn Bân, Đoàn Chước, Trần Văn Đông, Ưng Sừng, Ông Hạng (con trai Ông Ích Khiêm); họ là những tay chơi diều thuộc hàng “quý tộc”. Những người này đã dùng các loại chất liệu mới để cải tiến con diều và nâng cao nghệ thuật thả diều: dùng vải thay cho giấy để phủ cánh diều; dùng vải bện dây thả diều thay cho dây bện bằng cật tre trước đây. Ngoài ra họ còn tham khảo các loại sáo diều từ miền Bắc để chế nên các bộ sáo cho con diều Huế. Vào thời điểm này, con diều Huế đã được vẽ màu, chủ yếu là hai cặp màu: xanh trắng hoặc đỏ vàng.

Vào những năm 1935 - 1940, nghệ nhân Ưng Sừng là người đầu tiên tạo ra những con diều bướm nhiều màu sắc, hiện vẫn còn phổ biến ở Huế. Những người chơi diều ở Huế đã tập hợp nhau lại trong một tổ chức có tên là Hội Cầu Phong. Năm 1973, hội này được đổi tên thành Hội Thừa Phong. Sau ngày đất nước thống nhất, Hội Thừa Phong chấm dứt hoạt động nhưng những thành viên trong hội vẫn tiếp tục chơi diều riêng lẻ.

Ðến năm 1983, Câu lạc bộ diều Huế ra đời, thành phần chủ yếu là những hội viên của Hội Thừa Phong trước đây, tiếp nối nghệ thuật chế tác và kỹ thuật thả diều của các lớp nghệ nhân tiền bối, cố nghệ nhân Nguyễn Văn Bê được đề cử làm chủ nhiệm.

Sau Festival Làng nghề truyền thống Huế đầu tiên được tổ chức vào năm 2007, CLB Diều Huế có quy mô tổ chức khoa học hơn. Thông qua việc tham gia lễ hội, các nghệ nhân làm diều có cơ hội giao lưu, học hỏi, trình diễn tài năng của mình cho du khách trong và ngoài nước, góp phần giúp nghệ thuật chế tác và thả diều truyền thống ở Huế phát triển bền vững, đồng thời lưu giữ nghệ thuật chơi diều vốn rất nổi tiếng trên đất Cố đô, thu hút khách thập phương đến chiêm ngưỡng.

Nét đặc trưng của Diều Huế

Để làm một con diều Huế phải trải qua nhiều công đoạn, chọn tre, vót tre, sau đó bọc vải lên khung, làm sao để tạo thăng bằng cho con diều, và cuối cùng là vẽ. Dây lèo tạo lực đẩy và sự cân bằng cũng rất quan trọng, nó quyết định độ cao hay thấp của diều khi bay. Nó cũng chính là hồn diều, là dấu ấn của từng nghệ nhân diều, là bí quyết tạo sự khác biệt của từng Diều Huế.

Điều đặc biệt, đối với diều Huế, không tác phẩm nào giống nhau, mỗi phẩm là một chế tác “độc bản”, được các nghệ nhân dụng công rất nhiều trong đó; Mỗi con diều được làm ra là một tác phẩm nghệ thuật, là sự kết hợp của rất nhiều yếu tố như kinh nghiệm, kiến trúc, khí động học, hội họa… bởi vậy giá cả của một con diều Huế không hề rẻ. Tuy nhiên, với niềm đa mê diều và danh tiếng Diều Huế, những sản phẩm diều Huế rất được ưa chuộng trên thị trường.

Theo cố nghệ nhân Nguyễn Văn Bê: “Đặc trưng diều Huế là kết hợp kỹ thuật làm diều dân gian Việt Nam với các mẫu diều Trung Hoa; nhưng có những đường nét riêng, phong cách riêng”. Đa số diều Huế lấy hình dáng của loài chim, bướm, công, phượng hay rồng để sáng tác; hoặc dựa theo các tuồng tích cổ như “cá hóa rồng”, “lưỡng long tranh châu”, “phượng hoàng triển xí”, “mãnh long quá giang”… Có cả những con diều được làm ra dựa theo các điển tích xưa như: đại bàng cắp công chúa (truyện Thạch Sanh), các nhân vật trong truyện Tấm Cám, gà chọi, chèo bẻo đánh quạ, phượng hoàng sinh con... Những con diều này do một người hoặc một nhóm người phối hợp thả lên không trung rồi dùng dây điều khiển để chúng diễn tả các tích tuồng như những nhân vật trong một vở múa rối. Tên gọi “Nghệ thuật múa rối trên không” xuất phát từ đó.

Diều Huế là sự kết hợp hài hòa giữa mỹ thuật, chất liệu và kỹ thuật, tạo được dấu ấn riêng. Chính lẽ đó nên Diều Huế không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn được biết đến rộng rãi ở các quốc gia khác.

Thú chơi diều ở Huế

Chơi diều ở Huế là một thú vui được nhiều người hưởng ứng. Trẻ em thì chơi những con diều đơn giản do chúng tự làm nên; còn người lớn, đặc biệt là lớp người quyền quý thường bỏ tiền thuê các nghệ nhân làm những con diều đẹp, cầu kỳ để chơi hoặc để biểu diễn trong các dịp lễ lượt hội hè. Thú vui ấy nay vẫn được tiếp tục và trở thành một nét văn hóa đặc sắc của xứ Huế.

Vào các buổi chiều những ngày trong tuần, đặc biệt các dịp cuối tuần, nghỉ lễ, khu vực Kỳ Đài – Ngọ Môn rộn ràng tiếng nói cười của người lớn, trẻ nhỏ chơi diều. Không phân biệt kích cỡ, màu sắc, chủng loại, diều Huế cứ thế đi vào đời sống, trở thành niềm vui, thú tiêu khiển của bao thế hệ. Và với những ai không biết chơi diều, ngồi ngắm những con diều rực rỡ sắc màu trên bầu trời xứ Huế hẳn cũng sẽ góp nhặt được những niềm vui riêng như được trở về tuổi thơ thêm lần nữa…