KHU LĂNG MỘ BÌNH DỊ ẨN MÌNH BÊN BÓNG NÚI
Lăng mộ vua Hiệp Hòa trước khi được trùng tu
Trước đây, lăng vua Hiệp Hòa chỉ là một ngôi mộ nhỏ nằm giữa tán rừng thông xanh. Lúc mất, vua Hiệp Hòa chỉ được chôn cất theo nghi lễ Quốc công, nên lăng mộ được xây dựng khá đơn sơ. Phần mộ của Vua chỉ vẻn vẹn chừng 30m2, có một mái che bằng ngói, 2 bậc thang bước lên, ở giữa là tấm bia nhỏ bằng xi măng khắc mấy dòng bằng chữ Quốc ngữ: Vua Hiệp Hòa tức Nguyễn Phúc Hồng Dật - Sinh ngày 24/9 năm Đinh Mùi (1/11/1847) - Mất ngày 30 tháng 10 năm Qúy Mùi (29/11/1883).
Mặt sau của tấm bia có ghi bốn câu thơ bằng chữ Hán của vua Tự Đức, dịch nghĩa là: “Em ta được mười bốn - Ham học thật ít người - Ngoại trừ Kiến Thụy Công - Nay chỉ còn Văn Lãng”.
Phía sau nhà bia là cổng vào mộ có hai câu viết bằng chữ Hán. Câu bên phải là của vua Hiệp Hòa tự đánh giá về mình: “Quý dĩ tiên hoàng quý tử tư chất tầm thường thật vạn bất can đương”, dịch nghĩa: “Là con út yêu quý của tiên hoàng có tư chất tầm thường không cam nổi ngai vàng”.
Câu bên trái là của Viện Cơ Mật: “Kim nhật tất cầu xã tắc trường quân vô như Văn Lãng Công chi hiền”, dịch nghĩa: “Khen Văn Lãng Công hoàn tất tốt việc cúng tế ở đàn xã tắc”.
Phía sau bình phong có đắp nổi hình tượng lưỡng long tranh châu bằng sành sứ.
Năm 2013, lăng mộ vua Hiệp Hòa đã được trùng tu lớn do nhóm thân hữu người Huế ở TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đã đứng ra vận động quyên góp thông qua Phòng Văn Lãng Quận Vương để cải tạo và xây dựng lại khu lăng mộ khang trang hơn như hiện nay.
Lăng vua Hiệp Hòa ngày nay được xây dựng lại khang trang, đảm bảo tiêu chuẩn của một khu lăng mộ của bậc hoàng đế
Khu lăng mộ vua Hiệp Hòa hiện tại bao gồm các hạng mục chính như: Tẩm lăng, bi đình, sân bi đình, đường trung đạo, trụ biểu, bình phong, hiển long và ẩn long... Dù thiếu một số yếu tố như minh đường, tiền án, hậu phẩm nhưng nhìn chung, lăng vua vẫn mang đúng tiêu chuẩn của một khu lăng mộ hoàng đế triều Nguyễn cách đây hơn 100 năm.
Tháng 11/2016, Lăng vua Hiệp Hòa được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.