menu_open
Thời kỳ kháng chiến chống Thực dân Pháp và xây dựng chế độ dân chủ nhân dân (1945-1954) (tiếp)
01/07/2017 4:58:33 CH
Xem cỡ chữ:

IV - ĐẨY MẠNH KHÁNG CHIẾN VÀ KIẾN QUỐC (1950 - 1952)

Bước vào năm 1950, quân ta đã có chiến thắng vang dội tại Lương Mai, Phò Trạch. Trung ương Đảng đã nêu nhận xét: “Trận Phò Trạch - Lương Mai có thể coi là cuộc vận động chiến kiểu mẫu trong toàn quốc suốt quá trình phát triển vận động chiến của quân ta ở đồng bằng”.

Trước sự phát triển của phong trào kháng chiến, địch tăng cường bắt lính, đưa tổng số quân ngụy và viễn chinh lên 5.721 tên, số lượng máy bay, súng hạng nặng và xe lội nước cũng tăng lên. Chúng xây dựng hệ thống lô cốt, đồn bốt Delatour dọc đường I nhằm ngăn chặn hoạt động của quân ta.

Cùng với địch họa, nhân dân ta từ giữa năm 1950 còn gánh chịu nhiều thiên tai, lũ lụt làm cho mất mùa, đói kém.

Khó khăn chồng chất nhưng đã không làm sờn lòng cán bộ, chiến sỹ và bà con đi theo kháng chiến. Trong năm 1950, bộ đội địa phương đã đánh 50 trận, tiêu diệt 92 tên địch. Mỗi huyện có một đại đội bộ đội địa phương với tổng số 6 huyện là 931 chiến sĩ. Dân quân du kích các xã có 16.224 người. Trong năm 1950, hai lực lượng này đã tiến hành 468 trận phục kích, tiêu diệt 600 tên địch, giải tán 35 hội tề. Trên cả tỉnh có 2.000 thanh niên vào bộ đội.

Đầu năm 1951, chiến trường Bình Trị Thiên là một trong những trọng điểm bình định của địch. Tháng 1/1951, Thường vụ Tỉnh ủy họp đưa ra chủ trương đánh từng trận nhỏ để tiến tới trận lớn. hàng loạt những hoạt động quân sự của ta đã diễn ra trên địa bàn toàn tỉnh. Ngày 12/2/1951, tiêu diệt lô cốt An Gia; ngày 9/3/1951 ta đánh đồn Phổ Lại. chiến thắng An Gia - Phổ Lại đã bẻ gẫy tuyến phòng ngự Phú Ốc - Sịa của địch. Vùng giáp ranh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị được khai thông. Những chiến thắng quan trọng nhất của năm 1951 là trận trung đoàn 101 và 95 đánh bại cuộc hành quân càn quét quy mô lớn của địch tại Thanh Hương - Mỹ Xuyên và trận đánh bại âm mưu của địch đánh úp trung đoàn 101 tại Thanh Lam Bồ.

Hai chiến thắng giòn giã của Trị Thiên năm 1951, làm cho thực dân Pháp rơi vào tình trạng lúng túng. Để duy trì cuộc chiến tranh này chúng không còn cách nào khác vẫn tiếp tục áp dụng chính sách “dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”. Chúng tổ chức nhiều đợt bắt lính, tính chung trong ba tỉnh Bình - Trị - Thiên số quân địch lên tới 31.459 tên trong đó phân nửa là quân ngụy. Xây dựng, củng cố nhiều đồn bốt, tăng cường càn quét trên toàn tỉnh.

Cũng trong năm này lực lượng quân sự của ta cũng có bước phát triển về quân số đáng kể, trung đoàn 101 có 2.994 chiến sĩ, trung đoàn 95 có 2.976 chiến sĩ, ngoài ra còn có bộ đội địa phương và dân quân du kích.

Ngày 6/2/1952, Thường vụ Tỉnh ủy ra chỉ thị vận động tòng quân và đẩy mạnh du kích chiến. Trên đà thắng lợi, quân ta tiếp tục tiến công và tiêu diệt một loạt vị trí địch ở các huyện Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Hương Thủy, Phú Lộc. Vùng tự do của ba tỉnh Bình - Trị - Thiên nối liền nhau thành một dải dọc Trường Sơn và dọc đường I, từ Phú Lộc ở phía Nam ra Phong Điền ở phía Bắc của tỉnh, nối liền cửa ngõ Huế.

Nhằm ngăn chặn lực lượng kháng chiến, ngụy quyền Trung Việt đã cho lập “Nghĩa dũng đoàn Trung Việt”, tại mỗi tỉnh có chi đoàn nghĩa dũng, làm nhiệm vụ “lưu động tại các thôn xã để tìm biết và cản phá kịp thời các tổ chức và hoạt động của đối phương”. Chúng liên tục mở ba cuộc hành quân lớn vào tháng 7,8,9/1952 càn quét tập trung vào hai huyện Phú Vang và Phong Điền với mục đích bình định vùng căn cứ du kích và tiêu diệt trung đoàn 101. Đợt càn này đã gây cho ta những thiệt hại không nhỏ.

Nhìn chung năm 1952 chính là năm đầy khó khăn và thử thách đối với cuộc chiến đấu của quân và dân Thừa Thiên Huế.

V - PHỐI HỢP VỚI CHIẾN TRƯỜNG CHÍNH BẮC BỘ, KẾT THÚC THẮNG LỢI CUỘC KHÁNG CHIẾN (1953 – 1954)

Đảng bộ Thừa Thiên Huế trong những năm 1953, 1954 đã bám chắc tình hình địa phương, vạch ra chủ trương sát đúng, phối hợp với chiến trường chính có hiệu quả. Mặc dù trong năm 1953, các đơn vị chủ lực đã lên đường làm nhiệm vụ trên các chiến trường khác nhưng dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, Đảng bộ địa phương, dân quân du kích và nhân dân Thừa Thiên Huế đã giữ vững được thế trận, liên tục tấn công địch “chia lửa” với các chiến trường trong cả nước.

Năm 1953, địch liên tục mở các đợt càn quét lớn, chỉ trong 4 tháng đầu năm đã có 55 trận càn lớn nhỏ. Đặc biệt, sau khi tướng Navarre làm Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương, Bình - Trị - Thiên được Navarre coi là nơi an toàn phía sau của chúng. Nên chúng tăng cường củng cố đồn bốt, liên tục bắt lính, duy trì các trận càn quét, vơ vét vật lực để cung cấp cho chiến trường chính Bắc Bộ. Ngày 28/7/1953, Navarre đã huy động một lực lượng khổng lồ để mở một trận càn quy mô lớn mang tên cuộc hành binh Camargue gồm 13 tiểu đoàn bộ binh, 2 tiểu đoàn dù, 2 trung đoàn pháo binh, 400 xe cơ giới, 48 máy bay, 160 xe lội nước, 4 tàu thủy và 14 ca nô. Mục tiêu của đợt càn quét là đánh vào vùng căn cứ kháng chiến của ta ở Bắc Thừa Thiên, Nam Quảng Trị. Sau tháng 9/1953, địch lại liên tục mở các trận càn vào bốn huyện Phong - Quảng - Triệu - Hải. Địch đã gây cho ta những khó khăn và tổn thất, nhưng quân dân ta đã dũng cảm chiến đấu, tổ chức chống càn có hiệu quả, chủ động tấn công phá địch, phối hợp hoạt động đấu tranh chính trị, địch vận.

Cuối tháng 9/1953, Bộ Chính trị BCH Trung ương Đảng họp bàn về nhiệm vụ quân sự trong Đông Xuân 1953 - 1954. Cuộc họp đã xác định nhiệm vụ của vùng sau lưng địch như Bình - Trị - Thiên là đẩy mạnh chiến tranh du kích để tích cực phối hợp với chiến trường chính Bắc Bộ. Liên khu IV Bình - Trị - Thiên nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng bắt tay vào việc chuẩn bị mọi mặt để cùng cả nước tiến hành thắng lợi cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954 lịch sử.

Ngày 8/11/1953, Hội nghị cán bộ Bình - Trị - Thiên xác định nhiệm vụ của ba tỉnh là “đẩy mạnh đấu tranh về mọi mặt, nhất là đấu tranh vũ trang để phối hợp với chiến trường toàn quốc và phá hoại âm mưu mới của địch ở Bình - Trị - Thiên. Nhiệm vụ trước mắt là giữ vững và đẩy mạnh chiến tranh du kích, tích cực chống càn quét”.

Về quân sự, bộ đội và du kích vừa lo chống càn vừa tổ chức tập kích đánh địch, đánh lô cốt và đánh đường giao thông. Tính trong ba tháng đầu năm 1954, quân và dân Thừa Thiên Huế đã đánh 302 trận, trong đó 32 trận chống càn. Ngoài việc tiêu diệt sinh lực địch, ta còn phá hủy 25 xe cơ giới và 15 đầu máy, 80 toa xe, phá hỏng 14 cầu, thu trên 400 súng các loại, tiêu diệt 6 vị trí và 12 lô cốt địch.

Phối hợp với tiến công về quân sự là đấu tranh chính trị của quần chúng, nhân dân tiến hành đấu tranh trực diện với địch, chống bắt lính, đòi người thân trở về.

Những ngày tháng 4 và tháng 5 năm 1954, Thừa Thiên Huế vẫn tiếp tục tổ chức các cuộc tiến công về quân sự và những đợt đấu tranh chính trị để thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy là khôi phục lại căn cứ sở hai huyện Phong - Quảng, mở rộng khu du kích, và cùng cả nước  giành thắng lợi trong trận đọ sức cuối cùng, khi mà tiếng súng của quân ta đã nổ giòn ở Điện Biên Phủ.

Ngày 21/7/1954, Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết tại Genève. Đến ngày 1/8/1954, địch buộc phải ngừng bắn ở Thừa Thiên Huế. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của quân và dân Thừa Thiên Huế kết thúc thắng lợi. Lịch sử tỉnh nhà chuyển sang một trang mới.

Theo Địa chí Thừa Thiên Huế - Phần Lịch sử