menu_open
Nhã nhạc, niềm tự hào của triều Nguyễn thể hiện trong thơ trên điện Thái Hòa
10/12/2012 2:46:49 CH
Xem cỡ chữ:
Trong 191 bài thơ thất ngôn tứ tuyệt ở điện Thái Hòa (Hoàng Thành, Huế) có 17 bài thơ đề cập trực tiếp, gián tiếp đến Lễ nhạc (nhã nhạc) của triều Nguyễn, khẳng định một thực tế về quốc nhạc của Việt Nam thời bấy giờ:

 

 

 

Võ yển văn tu hội / Hà thanh hải yến thời / Y quan Chu chế độ / Lễ nhạc Hán uy nghi (Chỉnh lại văn, thôi võ / Lúc sóng lặng bể yên / Áo mão Chu chế độ / Lễ nhạc Hán uy nghiêm).

Lễ nhạc (Nhã nhạc) bấy giờ được hiểu như là một khái niệm để chỉ sự phát triển chế độ với những điển chế rõ ràng, là sự đối lập với sự kém phát triển. Hồ Quý Ly (1336-1407) từng có bài thơ Trả lời câu hỏi về phong tục An Nam (Đáp An Nam phong tục chi vấn) là một trường hợp tương tự: Dục vấn An Nam sự / An Nam phong tục thuần / Y quan Đường chế độ / Lễ nhạc Hán quân thần (Muốn hỏi chuyện An Nam / An Nam phong tục tốt / Điển chế, Đường chế độ / Lễ nhạc, Hán rường cột). Ở đây rõ ràng đã có sự tiếp nối của mạch tự hào dân tộc bắt rễ từ truyền thống người Việt Nam. Việc khẳng định nhiều lần về chế độ chính trị, thể hiện lòng tự tôn dân tộc đã in đậm trong ý thức của triều Nguyễn.

Sách Ðại Nam thực lục của triều Nguyễn có ghi: “...(vua) định lại nghị chương về triều hạ, về nhạc cụ (cho) lễ Ðại triều ở điện Thái Hòa: Nhã nhạc (sử dụng) một bộ (nhạc cụ) gồm: một chiếc chuông to, một chiếc khánh lớn, một bộ chuông nhỏ gồm mười hai chiếc, một bộ khánh nhỏ gồm mười hai chiếc, hai chiếc trống có trụ, một chiếc ngữ, hai chiếc trống bồng, bốn chiếc đàn cầm, bốn chiếc đàn sắt, hai chiếc tiêu bằng tre có mười sáu lỗ, hai chiếc tiêu có hai mươi ba lỗ, hai chiếc sênh, hai ống huyên, hai cái phách. Ðại nhạc một bộ gồm có: hai mươi trống, tám kèn, bốn tù và, bốn sala lớn, bốn sala nhỏ, hai ốc biển, còn các nhạc cụ loại nhỏ khác chỉ dùng để hợp tấu ở sân điện Cần Chánh, dùng bao nhiêu thứ vẫn để như cũ”.

Thơ trên điện Thái Hòa thường nhắc đến điển chế của Nhã nhạc qua sự quy củ gắn với các điển tích, khẳng định sự ổn định, hưng vượng của triều đại:

- Nhất đường Chu lễ nhạc,

Tứ tái Hán sơn hà.

(Trong một nhà, lễ nhạc như thời nhà Chu

Bốn phương, núi sông như nhà Hán)

- Văn vật thanh danh địa,

Y quan lễ nhạc đình.

(Đất văn vật có tiếng

Áo mũ, lễ nhạc tràn ngập cả sân chầu)

Điều này khẳng định sự quan trọng trong việc đặt nhã nhạc như một thiết chế văn hóa có tính nghi thức hành chính của nhà Nguyễn. Vào nửa đầu thế kỷ XIX, với các điều kiện thuận lợi, âm nhạc cung đình phát triển rất cao. Triều Nguyễn quy định 7 thể loại âm nhạc, bao gồm: Giao nhạc, Miếu nhạc, Ngũ tự nhạc, Đại triều nhạc, Thường triều nhạc, Yến nhạc, Cung trung nhạc. Nhã nhạc được dùng trong các lễ tế đại triều 2 lần/tháng, thường triều 4 lần/tháng: Nam Giao, Tịch Điền, sinh nhật vua và hoàng hậu. Ngoài ra, Nhã nhạc còn sử dụng vào các dịp lễ như lễ Đăng quang, lễ tang của vua và hoàng hậu, đón tiếp sứ thần. Tùy theo từng cuộc tế lễ mà có các thể loại khác nhau, như đại nhạc dùng trong lễ Nguyên đán, Ban sóc... Tiểu nhạc dùng trong mừng thọ, chúc thọ, tiếp đãi sứ thần... Cung trung nhạc biểu diễn trong trong các cung hoàng thái hậu và thái hoàng thái hậu... Miếu nhạc sử dụng tại các nơi thờ vua, chúa... Ngũ tự nhạc dùng trong tế Xã tắc, Tiên nông...

Chính vì thế, Nhã nhạc luôn có tính chất trang trọng, thể hiện một hoàn cảnh giao tiếp hết sức đặc biệt có tính nghi thức:

- Tĩnh văn thiên nhạc hưởng,

(Yên tĩnh nghe âm hưởng tiếng nhạc của trời)

 - Quân thiên thường cửu tấu,

(Nhà vua đắm mình trong chín lần tiết tấu trong lễ nhạc)

Có khi, những âm thanh phát sinh từ các cao độ của các loại nhạc cụ cũng được lắng trong từng câu, từng chữ, có thể lắng nghe được trong thơ cả tiếng sinh tiền (sanh tiền) trong bộ gõ của tiểu nhạc, tiếng tơ của đàn tam, đàn nhị của dàn ty trúc tế nhạc:

- Thiên tế sênh ca hưởng,

(Ven trời có âm hưởng của tiếng sênh tiền)

- Ty luân há cửu trùng.

(Tiếng tơ  buông từ chín tầng mây)

Gắn với các điển tích, thơ trên điện Thái Hòa thường có hàm nghĩa là chỉ sự thịnh trị của đất nước với chính sách đường lối cai trị của vương triều nhà Nguyễn theo lý tưởng Nho gia. Do vậy, khi đề cập đến Nhã nhạc, thơ cũng gắn với những điển tích, nhất là điển tích về các khúc nhạc của vua Nghiêu, vua Thuấn.

- Dương dương thiều hộ vận,

Đáo xứ nhạc xuân đài.

(Mênh mang nhạc Thiều nâng lên vần điệu

Đến nơi nào âm nhạc (cũng ngân như) tượng đài mùa xuân)

- Quân thiều thiên nhạc tấu,

Thú vũ phụng lai nghi.

(Khúc nhạc quân thiều trên trời như đang tấu lên

Muôn thú nhảy múa, phụng hoàng bay lại uy nghi).

- Cửu thành đăng Thuấn nhạc,

Tam chúc dật Nghiêu phong.

(Chương nhạc Cửu Thành của vua Thuấn (trỗi lên)

Ba lần chúc tụng tràn ngập cả bờ cõi vua Nghiêu).

- Cửu thành thiên nhạc tấu,

Thanh triệt ngũ vân đoan.

(Khúc cửu thành tiên nhạc tấu lên

Âm thanh vang tận đám mây ngũ sắc).

- Lễ thành uyên lộ tập,

Nhạc tấu phụng hoàng nghi.

(Buổi lễ xong, chim uyên chim lộ tụ tập      

Nhạc tấu lên, chim phụng chim hoàng uy nghi)

Những trích dẫn trên cho thấy, các yếu tố như Cửu thành, Thiều, Thuấn nhạc, phụng hoàng đều hướng đến một khúc nhạc của vua Thuấn, đó là khúc Thiều cửu thành. Trong Kinh Thưthiên Ích Tắc có đoạn: Tiêu thiều cửu thành, phụng hoàng lai nghi (sáo thổi khúc thiều cửu thành, chim phụng hoàng tụ tập đến nghiêm trang). Thiều cửu thành (gọi tắt là Thiều) là tên một khúc nhạc của vua Thuấn, nói đến những điều tốt đẹp, sự thịnh trị của đất nước (Do vậy, người đời sau khi nhắc đến một bài nhạc có tính đại diện của một đất nước, đầu tiên người ta dùng là Quốc thiều, thiều ở đây chính là lý do đã phân tích trên, sau này mới gọi là Quốc ca vì nghe phổ thông hơn). Trong thuyết sử Trung Quốc, thời Ngũ đế, có nhiều triều đại thịnh trị với sự cai trị của những vị anh quân, điển hình như vua Nghiêu (nhà Đường), vua Thuấn (nhà Ngu), vua Vũ (nhà Hạ). Gắn liền với tên tuổi của những bậc anh quân này là nhiều câu chuyện ca ngợi về đức tài của họ.

Các yếu tố như ngũ vân trong các đoạn thơ trên có ý nghĩa là điềm lành gắn với điển tích ngũ vân. Thuyết sử Trung Quốc có nội dung: khi vua Thuấn sắp nhường ngôi cho vua Vũ, cả triều thần đều đồng thanh hát khúc Khanh Vân ca với nội dung là: mây đẹp xán lạn hề/ quyện lại rồi lan hề/ trời, trăng tươi sáng mãi/ ngày lại ngày thế hề. Điển tích này gắn với việc chỉ điềm lành.

Bên cạnh khúc Thiều cửu thành, viết về Nhã nhạc, thơ trên điện Thái Hòa còn đề cập đến Khúc Nam phong của vua Thuấn:

- Nghiêu minh khai thụy sắc,

Thuấn nhạc động Nam huân.

(Cỏ minh của vua Nghiêu mở ra sắc tốt lành

Nhạc của vua Thuấn trỗi lên khúc nhạc Nam phong).

- Hóa nhật quang Nghiêu điện,

Huân phong độ Thuấn cầm.

(Mặt trời hóa ra ánh sáng cho ngôi điện vua Nghiêu

Khúc nam phong đã đưa tiếng đàn của vua Thuấn)

 Ở đây, Nam phong hay Nam huân đều là khúc nhạc của vua Thuấn để hát về gió Nam, điển tích này chỉ đến cuộc sống no đủ của người dân.

 Trên tất cả là niềm tự hào của triều Nguyễn về Nhã nhạc, từ quy mô đến sự hoàn chỉnh của nó trong cái nhìn đối sánh với quan niệm về điển chế ổn định đã được xem là mẫu mực của lý tưởng Nho gia.

- Lễ nhạc long Tam đại,

Dần cung hiệp nhất đường.

(Lễ nhạc cũng trịnh trị như thời Tam đại

Sự cung kính hòa hợp cả một nhà)

- Lễ nhạc siêu tam đại,

Thông minh khuếch tứ môn.

(Lễ nhạc vượt cả thời Tam Đại

Sự thông minh mở rộng ra đến bốn cửa)

Đặc biệt, câu thơ Lễ nhạc siêu Tam Đại (Lễ nhạc vượt cả thời Tam Đại) đã khẳng định một niềm tự tôn vượt bậc. Nhiều người biết rằng thời Tam Đại với ba triều vua Trung Quốc ứng với nhà Hạ, Thương, Chu với nhiều truyền thống văn hóa tốt đẹp, bày điển chương lễ nhạc một cách quy củ để khẳng định sự hưng thịnh của triều đại. Nhưng đến triều Nguyễn, các vị vua Việt Nam đã tự tin lẫn tự hào để khẳng định sự vượt trội về Lễ nhạc của mình, đó là những niềm tự hào tột bậc của của triều đình đối với cơ đồ sự nghiệp, đối với giang sơn xã tắc, là cơ sở để hình thành lên những lối khoa trương như thế.

Lịch sử cho thấy các triều đại quân chủ Việt Nam hết sức coi trọng, phát triển Nhã nhạc. Loại hình âm nhạc này trở thành một biểu tượng cho vương quyền về sự trường tồn, hưng thịnh của triều đại, ghi đậm dấu ấn tại một hình thức khác đó là thơ trên cung điện, mà ở đây lại là điện Thái Hòa, ngôi điện quan trọng nhất của bộ mặt công sở hành chính triều Nguyễn.