menu_open
Nhã nhạc cung đình Huế
05/10/2022 10:41:02 CH
Xem cỡ chữ:
Ngày 7/11/2003, Tổng Giám đốc UNESCO Kiochiro Matsuura chính thức công bố Nhã nhạc Huế được ghi tên là 1 trong số 28 kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại trong buổi lễ được tổ chức tại Paris, Pháp. Đây cũng là di sản phi vật thể đầu tiên của Việt Nam được công nhận vào danh mục này.
Địa chỉ: Nghe Nhã nhạc tại Huế: Duyệt Thị Đường, Đại Nội Huế
Thời gian hoạt động: Từ 10:00 - 10:30 và từ 15:00 - 15:30 hàng ngày
Tình trạng: Được UNESCO công nhận là Kiệt tác Di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại
Giá: 200.000 VNĐ/người/vé
Giới thiệu:

Nhã nhạc, có ý nghĩa "âm nhạc tao nhã", ra đời từ thế kỷ thứ XV đến giữa thế kỷ XX, là thể loại âm nhạc được trình diễn trong cung đình Việt Nam vào các cuộc tế, lễ gắn với các lễ kỷ niệm và những ngày lễ tôn giáo cũng như các sự kiện đặc biệt như: lễ đăng quang, lễ tang hoặc những dịp đón tiếp chính thức.

Nhã nhạc cung đình Huế - kiệt tác di sản âm nhạc nhân loại

Theo tài liệu triều Nguyễn ghi lại, quy định 7 thể loại âm nhạc, gần giống với các thể loại của triều Lê, bao gồm: Giao nhạc, Miếu nhạc, Ngũ tự nhạc, Đại triều nhạc, Thường triều nhạc, Yến nhạc, Cung trung nhạc. Dưới thời Nguyễn, Nhã nhạc được dùng trong các lễ tế đại triều 2 lần/tháng, thường triều 4 lần/tháng: Nam Giao, Tịch Điền, sinh nhật vua và hoàng hậu. Tế bất thường: Đăng quang, lễ tang của vua và hoàng hậu, đón tiếp sứ thần. Tùy theo từng cuộc tế lễ mà có các thể loại khác nhau, như Đại triều nhạc dùng trong lễ Nguyên đán, Ban sóc. Đại yến cửu tấu nhạc dùng trong mừng thọ, chúc thọ, tiếp đãi sứ thần. Cung trung nhạc biểu diễn trong các cung hoàng thái hậu và thái hoàng thái hậu; Miếu nhạc sử dụng tại các nơi thờ vua, chúa; Ngũ tự nhạc dùng trong tế Xã tắc, Tiên nông. 

Thời Nguyễn, nhờ điều kiện kinh tế và xã hội phát triển mạnh nên các triều vua rất quan tâm đến Nhã nhạc. Nhã nhạc lúc này có hệ thống bài bản rất phong phú, với hàng trăm nhạc chương. Các nhạc chương đều do Bộ Lễ chủ trì biên soạn cho phù hợp với từng cuộc lễ của triều đình. Sử sách của triều Nguyễn ghi lại có đến 12 cuộc lễ, mỗi cuộc lễ đều có ghi đầy đủ các bài ca chương và có 126 bài ca chương ghi đầy đủ lời ca nguyên gốc và bản dịch. Ví dụ Tế Nam Giao có 10 nhạc chương mang chữ “Thành” (thành công); Tế Xã Tắc có 7 nhạc chương mang chữ “Phong” (được mùa); Tế Miếu có 9 nhạc chương mang chữ “Hòa” (hòa hợp); Lễ Đại triều dùng 5 bài mang chữ “Bình” (hòa bình); Lễ Vạn thọ dùng 7 bài mang chữ “Thọ” (trường tồn); Lễ Đại yến dùng 5 bài mang chữ “Phúc” (phúc lành)… 

Nhã nhạc cung đình Huế thường đi đôi với múa cung đình. Múa cung đình triều Nguyễn rất phong phú gồm các vũ khúc: Bát dật, lục cung, song quang, tam tinh, chúc thọ, bát tiên hiến thọ, bát tiên quá hải, bát tiên đăng vân, trình tường tập khánh, vũ phiến (múa quạt), nữ tướng xuất quân, Tam Quốc, Tây Du, lục triệt hoa mã đăng, tứ linh, lân mẫu xuất lân nhi… Điển hình nhất là các điệu: lục cúng hoa đăng, trình tường tập khánh, phụng vũ, tứ linh, vũ phiến, lục triệt hoa mã đăng, lân mẫu xuất lân nhi… Các điệu múa còn lưu truyền có thể chia làm ba nhóm chính: múa nghi lễ, múa chúc tụng và múa theo tích sử, truyện. Múa nghi lễ có các điệu: Bát dật, lục cúng và song quang. Múa chúc tụng gồm có các điệu: tam tinh, chúc thọ, bát tiên hiến thọ, trình tường tập khánh, vũ phiến, lục triệt hoa mã đăng và tứ linh. Múa theo tích sử, truyện gồm: nữ tướng xuất quân, Tam Quốc, Tây Du… Đây là những điệu múa rất độc đáo thể hiện rõ bản sắc văn hóa Việt Nam. Tiết mục nào cũng trang nghiêm không có chút trần tục và đều mang tính nghệ thuật cao, cùng với Nhã nhạc tạo nên một sân khấu thiêng liêng và bác học khó có dàn nhạc nào sánh nổi.

Phần nhạc khí được quy định gồm 6 loại dàn nhạc. Đó là các dàn: Nhã nhạc, Nhạc huyền (bộ nhạc treo), Đại nhạc (Cổ xuý đại nhạc), Tiểu nhạc (ti trúc tế nhạc), Ty chung và Ty khánh (dàn nhạc chuông và khánh đá), Quân nhạc (đội bả lệnh). Các dàn nhạc trên đều có các nhạc khí cụ thể và không dưới 30 chủng loại với số lượng trên hàng trăm nhạc khí. Đại nhạc có 42 nhạc cụ của 4 chủng loại nhạc khí của 2 bộ gõ và hơi. Riêng bộ gõ thuộc về loại màng rung có 20 trống. Về bài bản cũng rất phong phú. Tiểu nhạc và Đại nhạc có các bài bản: Tiểu nhạc có 15 bài bản gồm Mười bản ngự (Thập thủ liên hoàn) và 5 bản: Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long Ngâm, Tiểu khúc; Đại nhạc có các bài bản: Tam luân cửu chuyển, Ngũ lôi (Đăng đàn cung), Đăng đàn cung đơn, Đăng đàn cung kép, Xàng xê, Kèn chiếu, Phú lục, Tẩu mã, Bông, Mã vũ, Man, Kèn bóp (Du xuân), Cung Nam, Nam Ai, Nam Bình, Nam Trĩ.

Về tổ chức Nhã nhạc thời Nguyễn, theo sách Khâm định Đại Thanh hội điển sử lệ xuất bản năm 1908, biên chế dàn nhạc cung đình Việt Nam vào cuối thế kỷ XVIII gồm có: 1 trống bản, 1 phách (sinh tiền), 2 sáo, 1 huyền tử (tức tam huyền tử, đàn tầm), 1 hồ cầm (đàn nhị), 1 song vận (nguyệt cầm), 1 tì bà, 1 tam âm là (chùm thành là bằng đồng 3 chiếc). Trong hệ thống Nhã nhạc cung đình Huế còn có tiết mục hòa tấu các nhạc khí thuộc bộ dây, gồm: nguyệt - tâm - tì bà - nhị cùng với sáo trúc kết hợp với bộ gõ (trống, não, sênh tiền) tạo nên những âm thanh trong sáng, thanh khiết có sức gợi cảm sâu xa. Các nhạc công thường trình tấu tác phẩm liên hoàn 10 bài ngự, hoặc còn gọi là “Thập thủ liên hoàn”, chủ yếu phục vụ các buổi yến tiệc, hoặc lúc đón tiếp các sứ thần.

Nhã nhạc, một thể loại của nghệ thuật cung đình Huế mà trong đó âm nhạc với một hệ thống kết cấu chặt chẽ đã đóng góp một phần hết sức quan trọng trên cả 5 lĩnh vực: Sự hoàn chỉnh của cấu trúc các dàn nhạc; Hệ thống bài bản nhạc không lời hòa tấu; Nhạc đệm cho phần múa hát; Ca khúc trong các loại múa có hát; Các ca chương hát trong các hình thức của buổi lễ.

Từ những năm 1990, Nhã nhạc bắt đầu bước vào giai đoạn phục hưng và được đưa đi giới thiệu ở nhiều nơi trên thế giới.

Lịch sử hình thành:

Nhã nhạc xuất hiện đầu tiên ở Trung Quốc dưới thời nhà Chu (thế kỷ VI - III TCN). Về sau, Nhã nhạc được lan tỏa sang các nước láng giềng như: Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam. Tuy được xem là tài sản chung nhưng nhã nhạc của mỗi nước đều có điểm riêng biệt. Ở Việt Nam, Nhã nhạc bắt đầu xuất hiện vào thế kỷ XV, nhưng phải đến thời kỳ nhà Nguyễn mới phát triển rực rỡ và đạt đến trình độ uyên bác. Các triều đại quân chủ Việt Nam hết sức coi trọng và phát triển Nhã nhạc, và loại hình âm nhạc này trở thành một biểu tượng cho vương quyền về sự trường tồn, hưng thịnh của triều đại.

Nét đặc trưng:

Đặc trưng của Nhạc cung đình là tính bao trùm đối với tất cả các bộ môn âm nhạc khác, từ Lễ nhạc (dùng vào các cuộc tế lễ lớn nhỏ của cung đình, trong các chùa miếu), nhạc thính phòng, sân khấu, kể cả các vũ điệu, mà mỗi bộ môn đều có những nghệ sĩ thượng thặng chuyên sáng tạo và biểu diễn. Các quy định về quy mô dàn nhạc, cách thức diễn xướng, nội dung bài bản, v.v. của Nhã nhạc đều rất chặt chẽ, phản ánh tính quy củ qua các định chế thẩm mỹ rất cao, có khả năng phản ánh tư tưởng, quan niệm triết lý của chế độ quân chủ đương thời. Các buổi trình diễn Nhã nhạc thường huy động rất nhiều diễn viên ca múa và xiêm y phong phú với những trang trí lộng lẫy và tinh tế.

Nhạc khí dùng trong Nhạc cung đình được "chế tạo tinh vi, chạm cẩn khéo léo, tinh xảo hơn nhạc khí dùng trong dân gian, lại có đầy đủ màu âm: tiếng kim, tiếng thổ, tiếng trong, tiếng đục, tiếng trầm, tiếng bổng, tiếng tơ, tiếng trúc, tiếng da, tiếng đá (khánh), tiếng đồng. Về độ cao có tiếng trầm của dây đài đàn tỳ bà, tiếng cao vút vi vu của tiếng sáo"*.

Dàn Đại nhạc là dàn nhạc quan trọng trong hệ thống nhạc lễ cung đình Huế, được diễn tấu dưới các trình thức quan trọng trong các buổi lễ, thường được dùng trong các lễ tế như: tế Nam Giao, tế miếu, Đại triều, v.v. Đây là dàn nhạc có âm lượng lớn, chủ yếu là dàn trống và kèn, kèm theo các nhạc cụ gõ và hơi khác như: bồng, não bạt (chũm chọe), mõ sừng trâu, trống cơm, kèn bầu, kèn lỡ và trong rất ít trường hợp là đàn nhị.

So với Đại nhạc, dàn Tiểu nhạc có bài bản âm nhạc tương đối ổn định hơn và mang màu sắc trang nhã, vui tươi, thường được dùng trong các buổi yến tiệc của triều đình, trong các lễ đại khánh, dịp tết nguyên đán. Nhiều bài bản tiểu nhạc còn có lời ca. Nhạc khí của Tiểu nhạc bao gồm: trống bản, não bạt, mõ sừng trâu, phách tiền, tam âm la, trống chiến, sáo, đàn tam, nhị, tỳ bà và đàn nguyệt. Trong tất cả các bài bản trình diễn, người diễn viên phải hết sức tập trung để theo kịp và phối hợp nhịp nhàng với dàn nhạc và diễn viên khác tiến hành nghi lễ.

Giá trị nghệ thuật:

Nhã nhạc cung đình Huế như một thành tố văn hóa nghệ thuật quan trọng của triều Nguyễn, vì thế mà Vua Minh Mạng đã viết câu đối trong Duyệt Thị Đường: "Âm nhạc tịnh trần, hòa kỳ tâm dĩ dưỡng kỳ chí/ Nghiên xuy tề hiến, thủ kỳ thị nhi giới kỳ phi"- (Tiếng nhạc trong trẻo vang lên, cho tâm hồn được hòa hợp, ý chí được di dưỡng/ Xấu tốt cùng trình diễn, cho lẽ phải được giữ gìn, điều trái được né tránh).

Nhã nhạc đã trở thành một phần thiết yếu của nghi lễ cung đình Việt Nam với hàng trăm nghi lễ khác nhau hằng năm. Tuy nhiên, vai trò của Nhã nhạc không chỉ giới hạn ở việc hòa nhạc phục vụ các nghi lễ mà còn cho thấy là một phương tiện giao tiếp và thể hiện lòng tôn kính đối với thần linh và các vua chúa thời phong kiến, cũng như truyền tải được những tư tưởng triết lý và tri thức về vũ trụ của người Việt Nam.

Ngày 7/11/2003, Nhã nhạc cung đình Huế đã được UNESCO công nhận là Kiệt tác Di sản Văn hóa Phi vật thể và Truyền khẩu đại diện nhân loại.

Video Youtube: