Đây là chuỗi chương trình hướng đến thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo mở tại Việt Nam, là một bước tiến trong việc thực hiện nhiệm vụ “Tổ chức các ngày hội Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Quốc gia tại các nước có hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST phát triển trên thế giới” thuộc đề án 844 - “Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” được Thủ tướng chính phủ phê duyệt, góp phần kiến tạo và thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo quốc gia kết nối quốc tế, liên kết mạng lưới các hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương điển hình như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh... kiến tạo các điểm kết nối toàn cầu, mở ra cơ hội cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và đổi mới sáng tạo mở quốc gia, làm cơ sở để tận dụng các cơ hội, xu thế, sức mạnh của thời đại để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là kinh tế tri thức.
Sự kiện trực tiếp tại điểm cầu Huế do TS. Hồ Thắng- Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế và TS. Bùi Quang Vũ - Quyền Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế chủ trì, điều phối.
Chương trình nhận được sự quan tâm, tham dự và phát biểu chỉ đạo của ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ KH&CN, PGS. TS. Bùi Huy Nhượng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, TS. Nguyễn Quốc Cường - Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ Dầu Một, cùng sự tham luận của các lãnh đạo, chuyên gia về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các điểm cầu trong nước và quốc tế.
Thông qua chương trình, Ban tổ chức mong muốn góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, các viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân và các bạn học sinh, sinh viên trên địa bàn cả nước về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hình thành tư duy đổi mới sáng tạo trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; Nâng cao năng lực các chủ thể của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia thông qua các hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương kết nối toàn cầu (các doanh nghiệp khởi nghiệp, các tổ chức, cá nhân hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo); Xây dựng và kết nối mạng lưới chuyên gia, cố vấn khởi nghiệp sáng tạo, nhà đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư trong nước quốc tế với hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST vùng miền; Hình thành và đột phá về cách làm, phương án xây dựng mạng lưới hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên cơ sở thực tiễn kết hợp với chuyển đổi số, hành lang đổi mới sáng tạo trên không gian số kết nối không giới hạn; Quảng bá các sản phẩm/dịch vụ khoa học công nghệ và sản phẩm chủ lực, kết nối sản phẩm đến người tiêu dùng, nhà quản lý, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp góp phần thúc đẩy phát triển, mở rộng thị trường, định hướng phát triển cho các sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp khởi nghiệp trong thời gian tới; Đối thoại, trao đổi chính sách cấp cao giữa các chuyên gia, nhà quản lý với cộng đồng khởi nghiệp để đề xuất xây dựng chiến lược, cơ chế chính sách và giải pháp thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phù hợp với thực tiễn địa phương và khu vực; xây dựng cơ sở lý luận, thực tiễn từ các bài học trong và ngoài nước để các nhà quản lý làm căn cứ xây dựng hành lang pháp lý, các chính sách đột phá cho các mô hình tăng trưởng mới dựa trên khoa học công nghệ gắn liền với đổi mới sáng tạo; Hình thành và đột phá về cách làm, phương án xây dựng mạng lưới hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên cơ sở thực tiễn kết hợp với chuyển đổi số, hành lang đổi mới sáng tạo trên không gian số.
TS. Cung Trọng Cường - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế giới thiệu về Hue-Pitching
Trong khuôn khổ chương trình, Hội Công nghệ thông tin và Điện tử viễn thông tỉnh Thừa Thiên Huế (HueDITA) dã ký kết hợp tác với Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế về liên kết phát triển đào tạo và vận hành Lab Doanh nghiệp của Trường.
TS. Bùi Quang Vũ - Quyền Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế trình bày về định hướng phát triển của Lab Doanh nghiệp của trường.
Với sự kết nối của Hội HueDITA, các đơn vị, doanh nghiệp Hội viên thuộc Hội sẽ tham gia vận hành Lab Doanh nghiệp gồm: Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế (HueCIT), Công ty TNHH Phần mềm Quốc tế 3S Huế, Công ty PIsoftware, Công ty TNHH MTV Brycen Việt Nam, Công ty TNHH CNTT Aureole - Chi nhánh Huế, Công ty TNHH Tenomad, Công ty TNHH MTV Dự án Công nghệ Thông tin Việt (VITPR), Công ty Cổ phần Đầu tư GSS, Công ty TNHH hệ thống Saishunkan Việt Nam, Công ty TNHH STDIO.
Các hoạt động ký kết trong khuôn khổ chương trình
Trên tinh thần hợp tác cùng phát triển, Lab Doanh nghiệp khi đi vào hoạt động sẽ là nơi cung cấp nguồn nhân sự theo dạng thời vụ cho các doanh nghiệp, đồng thời giúp các em sinh viên có thêm nhiều cơ hội việc làm trong lĩnh vực CNTT ngay từ năm 2, năm 3 Đại học, góp phần vào mục tiêu 10.000 nhân lực của tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025.
Các đại biểu lãnh đạo cấp tỉnh, đại diện lãnh đạo Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế và lãnh đạo các doanh nghiệp, đơn vị liên quan tại Điểm cầu Huế chụp hình lưu niệm sau chương trình.