menu_open
Chuyển đổi số với tinh thần khởi nghiệp của thế hệ trẻ
20/08/2022 2:34:51 CH
Xem cỡ chữ:
Đó là chủ đề tại Lễ ký kết hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực và Giao lưu học sinh, sinh viên do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) phối hợp với Đại học Huế và Trung tâm CNTT tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tổ chức chiều ngày 19/8 tại Hội trường Đại học Huế (01 Điện Biên Phủ, Tp. Huế) trong khuôn khổ Tuần lễ chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2022.

Các nhà lãnh đạo, nhà quán lý, nhà doanh nghiệp tham gia giao lưu với học sinh, sinh viên Thừa Thiên Huế

Tại buổi lễ ký kết, lãnh đạo Đại học Huế và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) đã khẳng định tầm quan trọng của sự hợp tác trong việc phối hợp đào tạo nguồn nhân lực về công nghệ cung ứng cho thị trường lao động chất lượng cao trong xu thế của kỷ nguyên số và công nghiệp 4.0… Theo đó, hai bên thống nhất ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác thúc đẩy kết nối hợp tác đổi mới sáng tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp.

Đại diện lãnh đạo hai đơn vị Đại học Huế và VINASA tại Lễ ký kết hợp tác dưới sự chứng kiến của đại diện Lãnh đạo tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội CNTT & Điện tử viễn thông tỉnh Thừa Thiên Huế và các đơn vị, tổ chức liên quan

Đại học Huế và VINASA đã cam kết hợp tác, tập trung thực hiện một số nội dung chủ yếu là: Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; Thực tập, tuyển dụng; Tổ chức các sự kiện: hội nghị, hội thảo khoa học, cập nhật, trao đổi thông tin, giao lưu, ngày hội việc làm, giải thưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Nghiên cứu và phát triển (R&D); Thúc đẩy khởi nghiệp trong nhà trường; Hợp tác về lĩnh vực truyền thông, phát triển thương hiệu.

PGS.TS Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế, Tuần lễ chuyển đổi số Huế 2022

PGS. TS Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế chia sẻ thông tin và định hướng phát triển của Đại học Huế với học sinh, sinh viên tỉnh Thừa Thiên Huế

Phát biểu trong buổi lễ ký kết, PGS.TS. Lê Anh Phương - Giám đốc Đại học Huế đã khẳng định vai trò Đại học Huế trong đào tạo, chuyển giao khoa học công nghệ cho địa phương cũng như cả nước, Đại học Huế là một trong những đại học tiên phong trong quá trình chuyển đổi số trong giáo dục và tiến đến phát triển đại học số. 

Đại học Huế có đội ngũ cán bộ hàng đầu trong cả nước với hơn 1.000 tiến sĩ được đào tạo từ các nước tiên tiến trên thế giới đang trực tiếp đào tạo và chuyển giao các lĩnh vực quan trọng, góp phần thành công cho công cuộc chuyển đổi số trên toàn quốc và từng bước hội nhập quốc tế như Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo; IoT & Robotics; Tự động hóa và Công nghệ số; Điện - điện tử viễn thông; Kỹ thuật phần mềm; An toàn thông tin và an ninh mạng; Thương mại điện tử; Marketing số; Tài chính - Kế toán số; Truyền thông đa phương tiện; Mỹ thuật số; Du lịch điện tử; Báo chí và truyền thông và Công nghệ truyền thông số. 

"Cùng với sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, sự tham gia tích cực trong công tác hỗ trợ, kết nối giữa nhà trường và doanh nghiêp của Hội CNTT và Điện tử viễn thông tỉnh Thừa Thiên Huế và sự sẵn sàng của Đại học Huế trong công tác chuyển đổi số, trong thời gian tới, chúng tôi kỳ vọng các hoạt động như "Học kỳ trong doanh nghiệp" sẽ được triển khai một cách hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng sinh viên trong quá trình học tập và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận sớm nguồn nhân lực tại địa phương" - PGS.TS. Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế nhấn mạnh thêm.


Gặp gỡ học sinh, sinh viên Thừa Thiên Huế về định hướng cơ hội nghề nghiệp cho các em là một hoạt động thường xuyên và thường niên của Tỉnh - Ông Phan Ngọc Thọ - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế nhấn mạnh.

tuần lễ chuyển đổi số, chuyển đổi số Huế 2022, giao lưu học sinh sinh viên, Đại học Huế, VINASA, Hội CNTT và Điện tử viễn thông, HueCIT

Chương trình thu hút sự quan tâm của đông đảo các đơn vị, doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực CNTT và hơn 600 học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế tham dự

Ngay sau lễ ký kết là hoạt động giao lưu của hơn 600 học sinh và sinh viên Thừa Thiên Huế cùng với 5 diễn giả là nhà quản lý, nhà công nghệ và chủ doanh nghiệp công nghệ hàng đầu của Việt Nam. Các bạn học sinh và sinh viên đã được lắng nghe các diễn giả chia sẻ về tầm quan trọng và sự hiện hữu của quá trình chuyển đổi số; những cơ hội việc làm trong lĩnh vực CNTT không chỉ giới hạn trong lĩnh vực CNTT mà mở rộng ra tất cả các ngành nghề khác trong xã hội cần ứng dụng CNTT; những lợi thế và tiềm năng để học tập và phát triển bản thân tại tỉnh Thừa Thiên Huế với mục tiêu "CNTT là ngành đột phá" của Tỉnh nhà...

Hoạt động giao lưu giữa nhà quản lý, nhà công nghệ và chủ doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam với học sinh, sinh viên Thừa Thiên Huế tại chương trình

Nhấn mạnh về đề án 10.000 nhân lực CNTT cũng như định hướng của tỉnh Thừa Thiên Huế trong phát triển và kêu gọi đầu tư về CNTT phục vụ cho phát triển công nghiệp 4.0 gắn với Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về "xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ chia sẻ: "Thời gian qua, làn sóng đầu tư về Huế, trong đó có các nhà đầu tư về CNTT với những tín hiệu tích cực cho thấy Huế đang chuyển động và đổi mới. Với chiến lược phát triển rõ ràng, chắc chắn các các thế hệ học sinh, sinh viên sẽ là những người chứng kiến, kiến tạo sự thay đổi, phát triển của Huế. Ngoài công tác đào tạo, tỉnh đang quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng để thực hiện đề án 10.000 nhân lực về CNTT của tỉnh đến năm 2025, vấn đề quan trọng là người học cũng cần nỗ lực trong học tập, hiểu rõ hơn định hướng phát triển của tỉnh, tạo được niềm tin, quyết tâm chọn ngành nghề đúng đắn".

tuần lễ chuyển đổi số, chuyển đổi số Huế 2022, giao lưu học sinh sinh viên, Đại học Huế, VINASA, Hội CNTT và Điện tử viễn thông, HueCIT

Các đại biểu chụp hình lưu niệm cùng  em học sinh, sinh viên sau chương trình.

Lãnh đạo tỉnh cũng mong muốn có nhiều startup công nghệ được nuôi dưỡng và hình thành từ các bạn trẻ qua quá trình học tập, đào tạo và rèn luyện trong môi trường Đại học Huế.