menu_open
Trầm mặc phố vườn
Xem cỡ chữ:
Kim Long - xưa kia có thể ví như “trái tim” của cố đô Huế, địa danh ngang tầm với Vỹ Dạ. Sau này đổi tên thành Hương Long, song người Huế vẫn quen gọi cái tên cũ trong sinh hoạt thường ngày. Ở Huế, đến thời điểm này, không còn nơi nào gìn giữ được một phố “nhà vườn” đẹp như Kim Long.

Trên cao nhìn xuống Kim Long trông như một tấm thảm nhung xanh mượt khổng lồ, tâm điểm là đồi Hà Khê, trên đỉnh đồi, du khách có thể mở rộng tầm nhìn khung cảnh bao la của sông Hương. Đặc biệt từ sáng đến chạng vạng, màu sắc của ánh sáng thay đổi nhiều lần trên mặt sông, khi trời mưa to hoặc mưa vừa tạnh, nước lại đổi màu liên tục.

Kim Long mang ý nghĩa tinh thần đáng kể đối với Huế. Dù chiến tranh, thiên tai, làn sóng nhập cư...là những nguyên nhân ảnh hưởng đến sự tồn vong của các thủ phủ khác, đã mất hẵn như Thanh Hà, Phú Xuân…Kim Long ngược lại, sự gia công của thời gian lại khiến nó thêm quyến rũ.

Chúa Nguyễn Phúc Lan đến Kim Long năm 1636, khởi đầu cho lịch sử hình thành của cố đô Huế sau này. Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục mô tả khá rõ một đô thị phồn thịnh trải dài bên bờ sông Hương đến tận Dương Xuân - Bao Vinh - Thanh Hà. Đánh dấu sự ra đời của Kim Long, khẳng định giá trị thời đại của nó là huyền thoại xây dựng chùa Linh Mụ, một kiến trúc Phật giáo uy nghi nhất, đẹp nhất ở Huế. 

Từ năm 1636 đến năm 1687, Kim Long dần dần hình thành một khu vực dày đặc nhà vườn rộng lớn, trải dài hai bên bờ sông Hương, thêu dệt nên những câu chuyện điền trang thơ mộng. Kim Long đất không thấy nắng, con gái mỹ miều (trẩm thương, trẩm nhớ, trầm liều trẩm đi). Những cô gái mỹ miều theo nhau vào cung (làm vợ Đồng Khánh, Hàm Nghi, Thành Thái) và hàng trăm cô khác được tuyển, nhưng không nên danh phận. Mối quan hệ nối dài ấy tạo cho Kim Long cái danh tiếng “miền gái đẹp”, thu hút về Kim Long hầu hết các phủ đệ tráng lệ của họ hàng bên vợ các vua Nguyễn, hoặc bậc vương tôn, công tử, quan lại làm rể đất này. Đại thi hào Nguyễn Du khi vào kinh đô làm việc cũng trú ngụ ở Kim Long, rồi mất và được an táng tại nghĩa địa làng An Ninh năm 1820, bốn năm sau, gia đình mới cải táng về quê Tiên Điền.

Nhà vườn - nét đặc trưng của Kim Long.

Khi thiên đô, chúa Nguyễn Phúc Thái chuyển thủ phủ về Phú Xuân, từ đó Kim Long chỉ giữ vai trò đô thị vệ tinh, nơi sinh sống của các hoàng thân quốc thích, các bậc thức giả. Phủ chúa, các nhà quan lại lan dần ra các vùng chung quanh …Hiện nay từ thành phố Huế, theo bờ sông Hương lên chùa Thiên Mụ vừa qua cầu Bạch Hổ là gặp phủ Đức Quốc Công - từ đường của Thượng thư Phạm Đăng Hưng, thân sinh của bà Từ Dũ, nhạc phụ vua Thiệu Trị. Tiếp theo là Vĩnh An Viên của Diên Phước công chúa, con vua Thiệu Trị và bà Từ Dũ. Phía trên chợ Kim Long có phủ Vĩnh Quốc Công - từ đường của Đại thần Nguyễn Hữu Độ, cha vợ vua Đồng Khánh. Bên cạnh phủ Vĩnh Quốc Công trăm mét là vườn An Hiên, nơi hội tụ thảo mộc ba miền.

Trầm mặc phố vườn thơ mộng, Kim Long hiện còn giữ được số nhà vườn lớn nhất Huế, trong đó hàng chục ngôi vườn rộng 1.000 - 8.000m2. Trong Festival Huế 2002, Kim Long đã có bảy ngôi nhà vườn được đưa vào tour “Khám phá cố đô Huế”. Bây giờ đã “phố hóa”, song quỹ đất Kim Long còn nhiều, chưa có người đầu tư lớn, bởi kinh doanh du lịch còn phụ thuộc vào các lễ hội, năm nào biết năm đó.

 Điều ấy nên lý giải, muốn “Kim Long” thức giấc ngủ đông, cần phải kêu gọi các nhà đầu tư tâm huyết về đây xây dựng những công trình vui chơi giải trí, ẩm thực mang bản sắc của Huế.