Từ những năm cuối thập niên 90, nhiều nghệ sĩ đã quây quần về khu Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TP HCM để tạo một thế giới màu sắc phong phú và đa dạng, như một bức tranh làng quê Việt Nam thu nhỏ.
Chạy dọc hơn 1km theo bờ sông Sài Gòn với chiều rộng khoảng 8 héc-ta, hơn 30 hộ gia đình, làng nghệ nhân Hàm Long đã nổi tiếng với những kiến trúc nhà đẹp của một nhóm họa sĩ lão làng Việt Nam như Bạch Trường Sơn, Lý Khắc Nhu, Hữu Thủ, Hoài Hương…
Những ngôi nhà ở đây chủ yếu làm bằng gỗ quí hiếm mang phong cách của ba miền như nhà Mường của Bắc Bộ, kiến trúc gỗ của Huế, nhà mồ Tây Nguyên... Một trong những ngôi nhà đẹp nhất khu Hàm Long là nhà của họa sĩ Hoài Hương.
Không chỉ những nổi tiếng với nhiều bức tranh có cá tính, họa sĩ Hoài Hương còn được nhiều người biết đến bởi các công trình kiến trúc vừa mang tính ứng dụng cao mà không kém phần tao nhã. Sự đan xen giữa kiến trúc và hội họa được kết tinh lại trong không gian của Nguyen Art Garden (Q.2, TP.HCM).
Cổng nhà tuyệt đẹp xanh rợp cây xanh, điệu đà với dàn hoa giấy đỏ trắng và mái ngói cong cong của họa sĩ Hoài Hương.
Đây là vừa nơi ở, nơi làm việc, sáng tạo nghệ thuật vừa là không gian để du khách thưởng ngoạn không gian nhà vườn mang đậm phong cách kiến trúc Việt.
Đằng sau cánh cổng uy nghi là không gian nhà vườn Huế thuần khiết.
Với công trình tâm huyết này, Hoài Hương đã sử dụng kết cấu gỗ và gạch, một kỹ thuật xây nhà có truyền thống lâu đời của Việt Nam. Bên cạnh đó, toàn bộ khu nhà đều được dựng bằng hệ thống vì kèo, làm từ những thân gỗ quý mà anh sưu tầm được. Ngôi nhà được chia thành 3 khu: không gian sống, không gian tiếp khách và khu vực bờ sông. Gian tiếp khách và gian riêng của gia đình được nối với nhau bằng một trường lang bao quanh ao sen.
Phải nói dù mang phong cách nhà vườn Huế rất thuần khiết, nhưng ở mỗi góc của ngôi nhà, Hoài Hương đều đưa vào những biến tấu nhỏ từ các vật trang trí đến cách điều phối ánh sáng khiến ngôi nhà trở nên hiện đại, sang trọng. Cảnh vật tuy tĩnh tại nhưng không lạnh lùng mà ngược lại, rất gần gũi.
Gian tiếp khách cũng là nơi họa sĩ Hoài Hương làm việc.
Gian này được trang trí bằng những món đồ cổ mà chủ nhân đã sưu tầm được và cũng là nơi anh trưng bày những tác phẩm của mình.
Dù mang phong cách nhà vườn Huế rất thuần khiết, nhưng họa sĩ Hoài Hương đưa vào một vài biến tấu nhỏ từ vật trang trí, cách điều phối ánh sáng khiến ngôi nhà trở nên hiện đại, sang trọng.
Ở công trình Nguyên’s Art của Hoài Hương, mọi sự sắp đặt đều được cân nhắc kỹ lưỡng theo phong thủy. Anh cho biết tất cả gian nhà đều có ao sen ở giữa như trọng tâm vừa là nơi để thoát nước, tượng trưng cho việc đào thải những điều không hay, đồng thời giúp đón khí trời trong lành và những điều tốt đẹp.
Nét đẹp độc đáo chính là dãy trường lang nối khu nhà ở với khu nhà tiếp khách được bao quanh bởi ao sen.
Dãy trường lang và ao sen có thiết kế kết hợp phong thủy chặt chẽ.
Trường lang được xây dựng hoàn toàn bằng hệ thống vì kèo, mái ngói và sử dụng vật liệu gỗ quý.
Theo kiến trúc Huế, nhà lợp mái ngói "vỏ cua" bằng đất nung xoa dịu cái nắng, cái rét, cản lại những giọt mưa tạt vào trong nhà.
Sát cạnh trường lang là đài vọng cảnh tam cấp.
Xung quanh ngôi nhà có nhiều không gian chòi nghỉ ngơi, thư giãn.
Chòi tứ giác cạnh sát bờ sông. Đối với họa sĩ Hoài Hương, âm thanh sông nước là thứ âm thanh dễ chịu, ôn hòa nhất mà ông rất yêu thích.
Đầu tư cho công trình tâm huyết, Hoài Hương mong muốn có một nơi vừa để thư giãn và thỏa sức sáng tạo vừa có thể giới thiệu cho bạn bè quốc tế tinh hoa văn hóa của dân tộc. Xa hơn, nhà vườn Huế Nguyên’s Art của họa sĩ Hoài Hương cùng những công trình của các họa sĩ khác tại Hàm Long sẽ trở thành không gian nghệ thuật lý tưởng để đào tạo lớp họa sĩ tương lai và cho du khách tới thăm quan.