Hiện nay, tại Huế vẫn còn duy trì khá nhiều cơ sở làm bánh Trung thu truyền thống, có thể kể đến những cơ sở như Phúc Hưng (259 Trần Huy Liệu), Bánh Trung thu gia truyền Thanh Thúy - Huế (254/9 Bùi Thị Xuân), cơ sở làm bánh Thuận Long (4B Chùa Ông)... Đây đều là những cơ sở làm bánh gia truyền, chất lượng, uy tín trên thị trường và không còn xa lạ gì đối với người dân Huế. Dịp này, mời bạn đọc cùng Khám phá Huế "mục sở thị" một cơ sở làm bánh Trung thu truyền thống Huế nhé!
Cơ sở bánh Trung thu Phúc Hưng những ngày này đang vào mùa cao điểm làm bánh Trung thu. Mỗi ngày, cơ sở sản xuất hơn 1000 chiếc bánh mới đủ đảm bảo cung cấp cho thị trường. Mặc dù tiệm bánh ở trong một con hẻm nhỏ của thành phố Huế nhưng ai cũng tìm đến tận nơi để mua cho bằng được Bánh Trung thu truyền thống Huế, thứ để biếu tặng, thứ để làm quà, thứ nữa để ăn.
Cô Hồ Thị Huyền Sương, chủ cơ sở sản xuất Bánh Trung thu Phúc Hưng cho biết: "Bánh Trung thu Phúc Hưng có truyền thống hơn 20 năm. Đến nay, mặc dù trên thị trường có rất nhiều hãng cạnh tranh nhưng rất nhiều người vẫn tìm đến Phúc Hưng vào mỗi dịp Trung thu, phần thì nghe danh, phần thì được giới thiệu, "hữu xạ tự nhiên hương" chứ cũng không quảng cáo chi hết".
Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu của thị trường, bên cạnh việc đầu tư nâng cấp hệ thống máy nướng, máy phun trứng (thay vì dùng tay để phết), Phúc Hưng còn cập nhật nhiều mẫu mã mới cũng như các loại nhân mới như trà xanh, dăm-bông... nên thu hút được đông đảo các thực khách tìm mua.
Công đoạn đầu tiên là làm nhân bánh. Đối với bánh truyền thống, nhân bánh cũng hết sức đa dạng nhưng phổ biến nhất vẫn là nhân thập cẩm, đậu xanh, đậu đỏ, mè đen... Trên hình là nhân thập cẩm khi chưa trộn đều.
Tiếp tục trộn đều tay để nhân được thấm gia vị, đều và có màu sắc bắt mắt.
Trộn vào phần nhân một ít bột sắn dây (đã hòa với nước) để tạo độ kết dính và bắt đầu công đoạn vo viên lại.
Các loại nhân khác cũng được làm tương tự và vo viên. Đối với nhân là trứng muối thì trước đó một tháng, người thợ đã phải mua trứng về và ngâm với nước muối để đến thời điểm bắt tay vào làm bánh, trứng mới đủ độ chín.
Trong khi chờ phần nhân được vo viên, tiếp tục làm công đoạn làm vỏ bánh.
Bột bánh là bột mỳ, sau khi hòa với nước với tỉ lệ thích hợp, để khoảng 20 phút cho bột "nghỉ", tức là để bột có độ nở phù hợp. Sau đó người ta chia nhỏ bột thành từng viên tròn, cán mỏng ra để làm vỏ bánh.
Đặt nhân vào giữa...
... và dán mép bánh lại cho kín và vo viên
Tùy theo từng loại khuôn mà khối lượng bánh có tỉ lệ tương ứng, nhưng hình dạng ban đầu trước khi bỏ vào khuôn là hình tròn.
Khác với các loại khuôn hiện nay trên thị trường, chủ yếu là khuôn nhựa. Các cơ sở truyền thống bánh Trung thu ở Huế vẫn giữ được nét cổ truyền với khuôn gỗ với những đường nét khắc chạm trên mặt bánh rất công phu.
Đặt bánh vào khuôn, ấn xuống cho chặt
Vỗ vỗ để bánh "nín" chặt vào khuôn
Sau khi gõ gõ xung quanh khuôn, bánh tự lóc ra khỏi khuôn. Người thợ làm bánh phết một lớp bơ lên mâm để bánh không bị dính với mâm và đặt bánh vào.
Đa dạng các loại khuôn tại cơ sở Bánh Trung thu truyền thống Phúc Hưng.
Đặt bánh vào lò nướng
Thành phẩm sau lần nướng thứ nhất
Tiếp tục phun thêm một lớp trứng lên trên bề mặt bánh
Tiếp tục nướng. Tổng cộng của hai lần nướng là 30 phút.
Bánh nướng lần 1,
|
... và bánh nướng thành phẩm
|
Bánh nướng xong, để nguội trước khi đóng gói.
Bánh đóng gói và in ngày sản xuất lên bao bì
Vì bánh được làm gần như thủ công, không sử dụng hóa chất nên hạn sử dụng ngắn. Những ngày cận kề Trung thu người dân Huế mới bắt đầu mua hàng.
Giá cả tương đối rẻ, dao động từ 8.000 - 140.000 đồng, lại tuyệt đối an toàn, có đầy đủ các giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bởi vậy Bánh trung thu Phúc Hưng nói riêng, bánh Trung thu truyền thống xứ Huế nói chung ngày càng nhận được sự ưa chuộng của thị trường mỗi mùa Trung thu đến.