menu_open

Các điểm vệ sinh miễn phí phục vụ du khách tại thành phố Huế

  • Thông tin Information
  • Hình ảnh Gallery
  • 360
  • Tìm kiếm Search
Làng hương trầm Thủy Xuân
Xem cỡ chữ:
Ở làng Thủy Xuân, người người làm hương, nhà nhà làm hương. Sáng sáng khi nắng chưa kịp đổi màu, người ta đã sắp hương ra hai bên vệ đường để phơi, làm rực rỡ cả con đường Huyền Trân Công Chúa khiến bất cứ ai cũng khó có thể rời mắt khi đi qua “xứ trầm thơm” này.

Làng nghề truyền thống

Làm hương Thủy Xuân

Lịch sử làng nghề

Ở làng Thủy Xuân, người người làm hương, nhà nhà làm hương. Sáng sáng khi nắng chưa kịp đổi màu, người ta đã sắp hương ra hai bên vệ đường để phơi, làm rực rỡ cả con đường Huyền Trân Công Chúa khiến bất cứ ai cũng khó có thể rời mắt khi đi qua “xứ trầm thơm” này.

Theo các cụ cao niên ở làng hương Thủy Xuân, nghề làm hương có từ thời Nhà Nguyễn. Người dân làng hương Thủy Xuân gắn bó, lưu truyền và phát triển nghề không chỉ vì kế sinh nhai mà còn bằng niềm say mê và trân quý nghề truyền thống của ông cha đã để lại.

Làng hương Thủy Xuân cung cấp ra thị trường nhiều loại hương khác nhau như hương quế, hương sả, hương nhài, hương vòng, nụ trầm, nhưng hương trầm là loại hương tạo nên tên tuổi cho làng nghề Thủy Xuân.

Nét đặc trưng

Mỗi cây hương trầm có ba nguyên liệu chính gồm tăm hương, bột trầm và chất keo.

Tăm hương là phần lõi được vót từ ruột tre già sau đó mang nhúng vào phẩm màu để tạo chân hương. Để có được màu sắc tươi tắn cho chân hương, người thợ hòa một lượng bột màu thích hợp trong nước nóng, nhúng chân hương qua vài lần, sau đó đem phơi khô nhiều ngày nữa.

Người dân Huế xưa nay rất kỵ thắp loại hương bị tắt nửa vời, hay cháy bùng bất thường. Vì vậy mà phần tăm hương Thủy Xuân có yêu cầu là làm từ ruột tre khô chẻ nhỏ và phải được phơi nắng liên tục nhiều ngày trời để sao cho thật khô, thật giòn. Bởi chỉ có làm vậy thì khi đốt lên cây hương mới cháy đều đến tận chân hương mà không gãy ngang.

Ngoài ra, nguyên liệu để chẻ tăm hương phải cũng phải là loại tre già lấy từ rừng Nam Đông, Bình Điền hay Phong Sơn. Công đoạn chẻ lõi cũng yêu cầu sự điêu luyện và dứt khoát của người thợ chẻ mới làm ra được từng loại chân hương theo đúng kích cỡ đại, trung, tiểu.

Nguyên liệu làm hương tại Làng hương Thủy Xuân duy nhất chỉ dùng trầm trộn với vỏ cây bời lời – một loại chất kết dính để hương bám vào chân hương, ngoài ra không sử dụng một tạp chất nào khác. Mùi thơm của hương phụ thuộc vào sự gia giảm trầm theo công thức gia truyền của mỗi gia đình, chính vì vậy nên sản phẩm hương của làng Thủy Xuân có mùi thơm rất đặc biệt không nơi nào có được.

Hương trầm Thủy Xuân có mùi thơm xa, thanh tao nhẹ nhàng vì không dùng hóa chất, rất đặc trưng của xứ Huế mà không nơi nào có được. Ngoài mục đích dâng và thắp hương, người ta còn dùng hương Thủy Xuân như một loại thảo dược để giúp giảm stress, mang lại sự thoải mái về tinh thần…

Các công đoạn chính

Công đoạn quan trọng nhất để làm nên những nén hương là gia công bột trầm và se hương. Bột trầm được pha trộn với tỷ lệ thích hợp từ nhiều nguyên liệu khác nhau như trầm và các vị tùng, trắc, quy đầu, bạch chỉ, hắc hương, hoa hồi, quế chi, ngoài ra còn kèm thêm cả vỏ quả bưởi rừng, hoa bưởi khô, quế, bạch đàn… Sau đó, các thành phần sẽ được đem trộn đều với nước sao cho hỗn hợp bột đạt độ “dẻo quánh” là có thể bắt đầu công đoạn se hương.

Se hương là một trong những công đoạn khó nhất trong quy trình làm hương và quyết định đến tính thẩm mỹ của sản phẩm. Mỗi cây hương trầm xứ Huế được se thủ công nhưng rất tròn trịa và đều tay, không quá chặt cũng không quá rỗng. Người Huế từ trước đến nay luôn nổi tiếng bởi sự khéo léo, tỉ mỉ, cẩn trọng, và điều này cũng rất đúng khi miêu tả về những người thợ làm hương xứ Huế.

Hiện nay, tại phường Thủy Xuân - tỉnh Thừa Thiên Huế có hơn 100 hộ gia đình sản xuất hương trầm, tổng bình quân thu nhập của mỗi cá nhân trung bình từ 5-7 triệu đồng/tháng.

Giá trị và thương hiệu

Với chất lượng và uy tín của thương hiệu hương Thủy Xuân, ngày nay, sản phẩm hương của làng Thủy Xuân không chỉ phục vụ nhu cầu trong tỉnh mà còn có mặt ở các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và xuất khẩu ra nước ngoài.

Mặc dù làng nghề đã có hàng trăm năm nhưng đến cuối năm 2018, Hội làng nghề hương trầm Thủy Xuân mới được thành lập nên chưa đủ điều kiện để công nhận là nghề truyền thống và chưa thể đăng ký thương hiệu tập thể cho sản phẩm hương trầm Thủy Xuân. Hiện nay, UBND thành phố Huế đang hướng dẫn Hội hoàn tất các thủ tục đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng thương hiệu tập thể, đồng thời đề xuất Sở Nông nghiệp & hát triển nông thôn công nhận nghề truyền thống để các cơ sở tiếp cận một số chính sách khuyến công, chương trình hỗ trợ phát triển nghề, mở rộng quy mô và quảng bá thương hiệu hương trầm Thủy Xuân, góp phần tạo ra địa chỉ tham quan du lịch trên địa bàn thành phố Huế.

Nhiều năm trở lại đây, người dân làng hương Thủy Xuân phát triển loại hình du lịch truyền thống kết hợp trải nghiệm nhằm quảng bá làng nghề và cách làm hương đến du khách trong và ngoài nước. Làng Hương Thủy Xuân trở thành một điểm đến check in không thể bỏ lỡ dành cho du khách khi đến Huế. Càng “tiện đường” hơn khi đây đường dẫn lên hai địa danh nổi tiếng khác của Huế là lăng Tự Đức và đồi Vọng Cảnh.

Không đơn thuần là nghề phát triển kinh tế, nghề làm hương trầm còn thể hiện được vấn đề văn hóa tâm linh, tín ngưỡng ở vùng đất Cố đô linh thiêng.

Vào những ngày Tết, về nơi làng hương nổi tiếng nhất đất Cố đô này, nghe mùi trầm phảng phất từ đầu làng, dường như trong tâm thức của mỗi người sẽ cảm nhận rõ ràng hơn ý nghĩa của Tết cổ truyền quê hương.