menu_open

Các điểm vệ sinh miễn phí phục vụ du khách tại thành phố Huế

  • Thông tin Information
  • Hình ảnh Gallery
  • 360
  • Tìm kiếm Search
Cơ Hạ Viên
Xem cỡ chữ:
Tổng thể vườn Cơ Hạ nhìn từ trên cao
Vườn Cơ Hạ là một trong 5 khu vườn thượng uyển nằm trong Hoàng cung Huế.
Tổng thể vườn Cơ Hạ nhìn từ trên cao
Địa chỉ: Hoàng cung Huế

Vườn Cơ Hạ là một trong 5 khu vườn thượng uyển nằm trong Hoàng cung Huế. Vườn tọa lạc ở góc đông bắc, rộng gần 5 mẫu (2,3ha), trước giáp phủ Nội vụ, sau giáp Hậu Hồ, hai mặt đông tây giáp tường Hoàng thành và Tử cấm thành. Đầu thế kỷ 19, đây là Cơ Hạ đường dành cho các Hoàng tử học tập, vui chơi. Năm 1837, vua Minh Mạng mới cho nâng cấp lên thành một khu vườn ngự uyển, nhưng vườn chỉ thực sự nổi tiếng dưới thời vua Thiệu Trị (1841-1847), khi nhà vua cho xây thêm nhiều đình, viện, đài, tạ, mà đặc biệt là dải trường lang hình chữ khẩu chạy vòng quanh các công trình chính, gọi là Tứ Phương Ninh Mật Hồi Lang.


Vườn Cơ Hạ trên tranh mộc bản thời Nguyễn.

Nguyên chữ Cơ Hạ - tên vườn lấy từ ý "Vạn Cơ Thanh Hạ" (sự thanh nhàn trong muôn vàn cơ sự), tức vua Nguyễn dựng khu vườn này để tìm chút nghỉ ngơi nhàn nhã trong muôn ngàn công việc triều chính. Nhà vua cũng không muốn xây dựng vườn ở xa để tránh tốn kém và cũng tiện qua lại từ chốn nội cung. Vườn Cơ Hạ mang phong cách riêng, hoàn toàn khác biệt với các khu vườn còn lại trong cung. Cổng chính của vườn xây mặt về phía nam, mang tên Thượng Uyển môn. Trong cửa là điện Khâm Văn, lợp ngói lưu li vàng. Sau điện là Minh Hồ, giữa hồ dựng gác Quang Biểu; phía sau lại có lầu Thưởng Thắng, xây mặt về hướng bắc. Bên trái lầu có nhà tạ Hòa Phong, bên phải có hành lang Khả Nguyệt; bao quanh có hồi lang Tứ Phương Ninh Mật. Phía đông vườn có Minh Lý Thư Trai, phía tây có hiên Nhật Thận. Phía tây Minh Hồ còn có sông Trại Vũ, động Phước Duyên, động Đào Nguyên. Chếch qua phía đông có cầu Kim Nghê trên có mái che. Bên trái lầu Thưởng Thắng là núi Thọ Yên, núi Trùng Đình, ao Thụy Liên, núi Quân Tử… Vua Thiệu Trị đã từng đề vịnh về vườn Cơ Hạ với 14 cảnh khác nhau, như: Điện khai văn yến; Lâu thưởng Bồng doanh; Các minh tứ chiếu; Lang tập quần phương; Vũ giang thắng tích; Hồ tân liễu lãng; Tiên động phương tung... Các cảnh này đều được nhà vua cho vẽ tranh để minh họa (tranh gương, tranh mộc bản), một số bài thơ thì được khắc vào bia đá để dựng trong vườn. 

Thế rồi sự khắc nghiệt của thời gian, những biến động lịch sử liên miên của kinh đô Huế từ cuối thế kỷ 19, những năm chiến tranh khắc nghiệt… đã biến một khu vườn tuyệt mỹ thành chốn hoang tàn, chỉ có gạch vụn và lau sậy, nơi trú ẩn của rắn rết, chuột đồng. Tình trạng đó kéo dài suốt hơn 30 năm sau ngày hòa bình lập lại!

Đầu năm 2012, với quyết tâm hồi sinh vườn Cơ Hạ, tạo điểm nhấn đặc biệt trong khu vực Đại Nội trong dịp Festival Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế mạnh dạn đầu tư để làm sống lại không gian khu vườn cổ.


Vườn Cơ Hạ trong một triển lãm cây cảnh

Ba ngôi nhà rường truyền thống đã được dựng trên nền móng cũ để gợi nên hình ảnh của các công trình xưa. Cầu Kim Nghê được dựng lại bằng tre nứa buộc lạt mây. Động Phước Duyên, núi Thọ An được sửa sang đôi chút. Minh Hồ, sông Trại Vũ được nạo vét, trồng sen, súng và thả cá chép vàng. Đặc biệt, phần lớn diện tích vườn đã được quy hoạch và trang trí bằng các thảm cỏ, thảm hoa và hàng trăm cây kiểng quý của các nghệ nhân hàng đầu xứ Huế. Mỗi khi hoàng hôn buông xuống, hơn 300 ngọn đèn đặt trong các giỏ tre xinh xắn của nghệ nhân làng đan lát Bao La đã khiến khu vườn lung linh kỳ ảo lạ thường! Từ chốn hoang tàn đổ nát, vườn Cơ Hạ vụt trở thành khu vườn huyền thoại, khu vườn cổ tích, mà ở mỗi nơi mỗi chốn, trên từng bước chân, du khách như cảm thấy bóng hình, hơi thở, lời thơ, giọng hát của người xưa còn phảng phất đâu đây. Đặc biệt, trong những đêm nhạc Trịnh Công Sơn được tổ chức trên đỉnh núi Thọ An, vầng trăng tròn vạnh bên bóng cây đa cổ thụ cùng giọng hát vút cao của ca sỹ Ánh Tuyết càng như khiến người ta chơi vơi trong cõi mộng… 

Một trùng hợp kỳ lạ nữa là cùng với sự hồi sinh của vườn Cơ Hạ, từng đàn chim lớn với nhiều giống loài khác nhau không biết từ đâu đã về chọn các lùm cây trên đảo Doanh Châu sát vườn để sinh sống, trú ngụ. Chúng tranh nhau đậu chen chúc trên những cành lộc vừng cổ thụ khiến du khách thêm thích thú. Đất lành chim đậu. Tiếng lành càng đồn xa…


Triển lãm cây kiểng Phong lan ba miền từng được tổ chức, giới thiệu tại không gian Vườn Cơ Hạ trong khuôn khổ Festival 2018

Tiếp đó, năm 2013, rồi năm 2014, vườn Cơ Hạ lại được tôn tạo và mở rộng. Toàn bộ khu vườn đã phủ kín bởi cây xanh, các loài hoa và kiểng quý. Trong Festival 2014, khu vườn thực sự trở thành một điểm nhấn đặc biệt, luôn tấp nập du khách viếng thăm cả ngày và đêm. Giới nghệ nhân kiểng Huế và nhiều vùng miền khác trong cả nước đã có cơ hội đọ sức tranh tài trong hội thi kiểng quý tại vườn. Cơ Hạ đã phần nào tái hiện đúng tinh thần của một khu vườn thượng uyển xưa: nơi tụ hội của kỳ hoa dị thảo từ bốn phương.

Việc vườn Cơ Hạ trong Hoàng cung hồi sinh trong Festival Huế 2012, rồi 2014 đã gây ra một tiếng vang đặc biệt. Trong suốt những ngày đêm diễn ra lễ hội văn hóa quốc tế tại Cố đô và cả những ngày sau đó, hàng nghìn du khách đã đến thăm khu vườn và không tiếng lời ngợi khen. Vì sao ư? Đơn giản vì đó không chỉ là sự hồi sinh của một khu vườn, mà là một di sản văn hóa, một ngự uyển trứ danh của triều Nguyễn…


Một góc khác của Vườn Cơ Hạ nhìn từ trên cao


Vườn Cơ Hạ nhìn từ hướng Bắc

Thực ra, vườn Cơ Hạ mới chỉ bắt đầu hồi sinh. Việc nghiên cứu, phục nguyên di sản độc đáo này vẫn đang được tích cực chuẩn bị. Có thể phải nhiều năm nữa, những công trình kiến trúc trong vườn như điện Khâm Văn, hồi lang Tứ Phương Ninh Mật, hành lang Khả Nguyệt, hiên Nhật Thận, tạ Hòa Phong... mới được phục nguyên vì đòi hỏi sự dày công nghiên cứu cùng sự đầu tư nguồn lực rất lớn. Tuy nhiên, những dấu hiệu đầu tiên về sự hồi sinh của khu vườn đã rõ. Và điều quan trọng nhất là sự hồi sinh khát vọng, mong ước của cộng đồng để thấy lại những khu vườn thượng uyển đích thực ngày xưa. Khát vọng, mong ước ấy sẽ làm nên sức mạnh để phục sinh các di sản văn hóa. Hơn ai hết, nhưng người làm công tác bảo tồn di sản văn hóa đều tin vào điều đó!

Bài: TS. Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế

Ảnh: Bảo Minh, Võ Thanh Phúc, Phan Thanh Hải, Hòa An

Video Youtube: