menu_open
"Hồi sinh" làng mai trăm tỷ Thế Chí Tây
Xem cỡ chữ:
Làng mai Thế Chí Tây nổi tiếng gần trăm năm nay cả trong và ngoài nước bởi những thế cây cảnh độc đáo, sắc hoa rực rỡ mỗi dịp xuân về.

Cách trung tâm thành phố Huế khoảng 35km, làng nghề Thế Chí Tây (xã Điền Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế) là một trong những địa danh nổi tiếng lâu đời của vùng đất cố đô chuyên làm cây cảnh Tết. 

Thế nhưng cũng như nhiều địa danh khác, năm nay do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, lượng người chơi hoa mai - đặc biệt là những cây mai độc đáo, cổ thụ trở nên ít đi. Người làng Thế Chí Tây cũng vì thế buôn bán chẳng được như các năm trước.

Theo ông Nguyễn Như Bộc - một trong những người sở hữu nhiều gốc mai “cổ” nhất làng mai Thế Chí Tây, nơi đây đã được xây dựng hơn 100 năm và cũng là từng đó thời gian người dân trong làng gắn mình với nghề trồng, chăm sóc mai Tết. Với người dân làng Thế Chí Tây, mai là biểu tượng cho sắc xuân, nó như nét văn hoá phi vật thể được truyền từ đời này sang đời khác ở làng. Bản thân ông Bộc cũng đã là đời thứ 3 trong gia đình gắn với nghề trồng mai.  

Vào 5 giờ sáng mỗi ngày, ông Bộc bắt đầu công việc chăm sóc, tỉa mai trong vườn. “Tôi chơi mai đến nay gần 40 năm rồi, có mấy gốc mai già 30 – 40 năm được người ta trả trăm tỷ mà tôi chưa bán. Thế nên nhiều người cứ trêu là nhà tôi có hơn trăm tỷ”, ông Bộc vui vẻ chia sẻ.

Làng mai trăm tỷ, làng mai Huế, Thế Chí Tây, làng mai Điền Hòa, Huế xứ sở mai vàng  

Những cây mai với thế độc đáo tại vườn ông Nguyễn Như Bộc.

Theo những bậc cao niên, các địa danh trồng mai ở tỉnh Thừa Thiên Huế rất nhiều, nhưng làng mai Thế Chí Tây nổi tiếng là nhờ nghệ thuật tạo thế và dáng của cây. Với người dân nơi đây, cách chơi mai cũng thể hiện cốt cách của một con người. Có những gốc mai già vài chục tuổi, thậm chí cả trăm năm tuổi đã gắn kết với “nghệ nhân” suốt cả cuộc đời của họ.

Ông Phan Văn Đã (64 tuổi), một trong những người được ví là “nghệ nhân” của xã bởi cách uốn nắn mai điêu luyện và ấn tượng. Hình ảnh ông Đã tỉ mỉ tỉa lá, chăm chút cho cây mai như những đứa con tinh thần của mình toát lên được vẻ đẹp của sự yêu nghề và tâm huyết ông đặt vào đó.  

“Hoa vàng là vua của các loại hoa nên thường chỉ có là uốn long phụng, mai vàng thường được uốn theo các tư thế của tứ linh là Long, Ly, Quy, Phụng. Chăm mai cực lắm, mình quan sát nó hằng ngày tỉa cắt, cứ trồng 2 năm dưới đất ra rễ là tôi bứng vô chậu, uốn nắn tạo hình rồi bán, cứ thế mà luân phiên”, ông Phan Văn Đã chia sẻ.

Làng mai trăm tỷ, làng mai Huế, Thế Chí Tây, làng mai Điền Hòa, Huế xứ sở mai vàng  
Gốc mai 30 tuổi với giá trị kinh tế cao tại nhà ông Đã.

Những năm trước, người trồng mai ở làng Thế Chí Tây có thể lời cả trăm triệu, thậm chí những năm thuận lợi còn xuất ra được nước ngoài. Tuy nhiên năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kinh tế có phần khó khăn so với mọi năm nên lượng mai tiêu thụ có xu hướng giảm khá nhiều.  

Ông Nguyễn Ngọc Phụng - chủ vườn sở hữu hơn 300 gốc mai tại làng Thế Chí Tây cho biết, ông đang gặp không ít khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng. Việc xuất khẩu mai sang các nước khác của vườn ông đang bị “đứng” lại vì dịch bệnh trên thế giới còn nhiều phức tạp.

“Tiêu thụ mai ở đây nhiều nhất là cung cấp cho nhà hàng, khách sạn, các công ty lớn. Nhưng năm nay tình hình dịch bệnh, hàng quán đóng cửa, không ai làm ăn mua bán gì được nhiều. Số lượng người mua mai chỉ khoảng 30% so với các năm”, ông Phụng nói.  

Làng mai trăm tỷ, làng mai Huế, Thế Chí Tây, làng mai Điền Hòa, Huế xứ sở mai vàng
Hoa mai bắt đầu nở rộ báo hiệu mùa xuân đang về.

Mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thế nhưng người dân nơi đây vẫn luôn tin vào tương lai gần đầy tươi sáng. Với người dân làng mai Thế Chí Tây, sau thời gian khủng hoảng vì dịch bệnh, cuộc sống sẽ sớm quay trở lại nhịp sinh hoạt bình thường, mai tiếp tục khoe sắc vàng mỗi dịp Tết đến, xuân về. 

“Khó khăn là khó khăn chung chứ không của riêng mình. Năm nay không bán được thì mình chăm sóc sang năm mình bán. Mai càng lớn càng có giá, tôi trồng mai không chỉ để kiếm tiền mà còn vì muốn lưu giữ cái nét đẹp văn hoá mà ông cha ta để lại, nên thấy hoa nở rộ là vui rồi”, ông Phụng bộc bạch.

Hồng Nguyệt