Lực lượng công an cùng người dân xã Phong Hòa (huyện Phong Ðiền) trồng mai vàng tại làng cổ Phước Tích.
Với mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế thành xứ sở mai vàng của Việt Nam và xem đó là đặc trưng của xứ Huế, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành kế hoạch thực hiện từ nay đến năm 2030, 100% huyện, thị xã và thành phố đều có tuyến đường hoàng mai; đồng thời phát động mỗi nhà, mỗi cơ quan, đơn vị nên trồng mai trước ngõ; hướng đến thành phố, đô thị, nông thôn sẽ tràn ngập mai; xây dựng những đường mai lớn, rừng mai.
Con đường hoàng mai
Ở Huế, hoàng mai gần như đã trở thành một biểu tượng, gắn liền với đời sống thường ngày. Có thể bắt gặp cây mai ở sân đình, cửa chùa, trồng ở trước sân nhà... Hiện nay, mai được trồng ở nhiều điểm thuộc quần thể di tích Cố đô Huế, như ở khu vực Cung Diên Thọ, ở vườn Thiệu Phương, các lăng Minh Mạng, Tự Ðức, Thiệu Trị, Khải Ðịnh...
Theo nhiều tài liệu, mai vàng Huế được dẫn giống, trồng và phát triển từ lâu đời, tại vùng đất cố đô với tên gọi "Mai Ngự", "Mai vàng xứ Huế" hay "Hoàng mai". Hoàng mai trở thành thú chơi của người Huế.
Ý tưởng con đường hoàng mai của nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Phan Ngọc Thọ (nay là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy) đã nhận được sự ủng hộ của bà Phạm Ðăng Túy Hoa, một người Huế đang sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Bà là người đã hiến tặng 135 cây hoàng mai. Sau một thời gian khảo sát, Trung tâm Công viên cây xanh Huế đã đưa những cây hoàng mai về trồng ở công viên bên trong Kinh thành Huế phía trước Ðại Nội, đoạn dọc phía sau hai địa điểm tọa lạc của Cửu vị Thần Công. Phó Giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh Huế Ðặng Ngọc Quý cho rằng, để có được 135 gốc mai Huế trồng hiện tại phải mất rất nhiều công sức dò khảo từ các xã vùng ven của các huyện Phong Ðiền, Quảng Ðiền, Phú Vang... "Vườn mai được trồng ở trước mặt Ðại Nội tùy theo độ tuổi, đường kính, bộ rễ, tán lá… mà có giá trị khác nhau. Có cây mai 60 tuổi, nhưng cũng có cây chỉ mới 30 tuổi. Cây đắt nhất có giá tầm 50 triệu đồng và thấp nhất cũng khoảng 20 triệu đồng", ông Quý chia sẻ.
Thị trường cũng phản ánh giá trị kinh tế của mai vàng Huế. Những cây mai khoảng 30 đến 60 tuổi có giá trị dao động từ 100 triệu đến vài trăm triệu đồng/cây, thậm chí đắt hơn. Có những gốc mai tuổi đời cả trăm năm được rao bán với giá vài tỷ đồng. Tại các chợ hoa Tết, những "lão" hoàng mai được đem trưng bày với giá lên đến 2-2,5 tỷ đồng. Không chỉ bán cây, mai vàng Huế còn được cho thuê với giá dao động từ vài triệu đến chục triệu đồng. Khi hay chuyện, những cây mai này được đưa trồng ở trước Ðại Nội, tạo nên một điểm nhấn cho Huế, nhiều người đã đồng ý gửi mai để đưa đến trồng.
"Tôi đồng tình và hưởng ứng phong trào "Mai vàng trước ngõ" do UBND tỉnh phát động. Gia đình tôi có trồng nhiều cây mai vàng có tuổi đời hơn nửa thế kỷ và vẫn muốn chăm sóc, bảo tồn. Khi lãnh đạo tỉnh phát động phong trào, chúng tôi thấy việc bảo tồn và phát huy giống mai vàng Huế rất phù hợp trong thời điểm hiện nay" - Ông Lương Ngọc Minh, một hộ dân ở đường Ông Ích Khiêm (thành phố Huế) chia sẻ.
Khôi phục mai vàng xứ Huế
Mai vàng ở Thừa Thiên Huế có nguồn gen bản địa đặc hữu thường được gọi là Hoàng mai Huế, được trồng từ lâu đời ở cung đình, phủ đệ, dinh thự, sân đình, cửa chùa, sân nhà người dân... TS Hồ Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, cây mai vàng Huế đã trở thành "sứ giả" tượng trưng cho mùa xuân xứ Huế và vùng đất phương nam. Ðặc trưng của hoa mai vàng Huế là có lộc xanh, cành lộc dày, hoa cuống ngắn, năm cánh mầu vàng đậm, viền lượn sóng, mặt phẳng, các cánh xếp khít nhau, có mùi thơm dịu nhẹ. Tuy nhiên, mai vàng Huế chưa phát huy được các tiềm năng, giá trị vốn có của nó. Giống mai này đã bị lai tạp khá nhiều, việc nhân giống còn theo thói quen đơn lẻ, tự phát, chưa tận dụng tốt tiềm năng ngành kinh tế sinh thái hoa-cây cảnh để tạo nên một thương hiệu tầm cỡ.
Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì xây dựng Ðề án "Xây dựng Thừa Thiên Huế thành xứ sở mai vàng của Việt Nam". Ðề án có ý nghĩa khi giúp bảo tồn, phát triển các nguồn gen quý ngày càng khan hiếm; áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ để bảo tồn, phát triển nghề trồng mai hướng đến thương mại hóa sản phẩm đặc sản mai vàng xứ Huế; tạo cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp. Khu vực Hoàng thành Huế sẽ được nghiên cứu để trồng các tuyến đường, khu vườn mai phù hợp, gắn với không gian tổ chức lễ hội mai vàng hằng năm.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành kế hoạch triển khai đề án "Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành xứ sở mai vàng của Việt Nam". Mục tiêu của đề án là phấn đấu đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh xây dựng được ít nhất ba rừng mai có quy mô, diện tích, số lượng, địa điểm phù hợp để tổ chức sự kiện, du lịch, thưởng ngoạn… phấn đấu 100% huyện, thị xã và thành phố Huế xây dựng các tuyến đường, vườn mai có quy mô phù hợp phục vụ du lịch là điểm đến đặc sắc của địa phương. 100% cơ quan, công sở trên địa bàn tỉnh bảo đảm mỹ quan công sở, trong đó chú trọng đến việc bố trí trồng ít nhất hai cây mai vàng trong khuôn viên (đối với những đơn vị có điều kiện phù hợp).
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, tỉnh cũng phấn đấu vận động, khuyến khích 100% các tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh trồng mai vàng trước địa điểm ra vào đơn vị; quy hoạch các khu vực, vườn mai phù hợp trong khuôn viên các đơn vị. Ðến năm 2030, tỉnh Thừa Thiên Huế phấn đấu xây dựng được ít nhất sáu rừng mai có quy mô (diện tích, số lượng, địa điểm tổ chức sự kiện, du lịch, thưởng ngoạn...) là địa điểm để tổ chức các sự kiện, nơi tham quan, du lịch, thưởng ngoạn của người dân và du khách đến Huế. 100% huyện, thị xã và thành phố Huế xây dựng được các tuyến đường, địa điểm di tích lịch sử, cảnh quan địa phương đều trồng mai; mỗi địa phương có ít nhất hai làng mai.
"Thừa Thiên Huế sẽ tổ chức, đưa Lễ hội Mai vàng Huế trở thành một lễ hội truyền thống có quy mô mang tầm quốc gia; xây dựng, khai thác các tour - tuyến du lịch mai vàng Huế", ông Bình cho biết.
Song song với nhiệm vụ bảo tồn và phát triển giống mai vàng Huế, việc xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý "Huế" cho sản phẩm mai vàng cũng đặt ra. Ðây là cơ sở pháp lý, là công cụ cho công tác quản lý và thương mại rất quan trọng trong tiến trình xây dựng Huế trở thành xứ sở mai vàng của Việt Nam, phục vụ phát triển du lịch, kinh tế-xã hội Thừa Thiên Huế và các tỉnh miền trung. Cũng như nón lá Huế, dầu tràm Huế, tỉnh sẽ lập hồ sơ và đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý Hoàng mai Huế tại Việt Nam, trở thành thiết chế quản lý, tạo các căn cứ, tiền đề cho công tác quản lý, khai thác và phát triển chỉ dẫn địa lý "Huế" cho sản phẩm hoàng mai.
PGS, TS Ðặng Văn Ðông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả cho rằng, bên cạnh việc áp dụng các giải pháp bảo tồn giống mai Huế hiện có, cần tạo thêm những giống mai có những đặc tính mới, khắc phục được các tồn tại của giống mai Huế hiện nay. Ðể đa dạng hóa sản phẩm, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng cây mai, đáp ứng nhu cầu của thị trường, cần ứng dụng công nghệ tạo giống đột biến để tạo ra những cá thể mai vàng mới, có các đặc tính nổi trội để làm nguồn giống gốc, đầu dòng, từ đó nhân giống vô tính ra hàng loạt các cây có những đặc tính tốt.
Theo ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Thừa Thiên Huế có đủ điều kiện để phát triển cây mai vàng trở thành thương hiệu nổi tiếng như hoa anh đào Nhật Bản. Theo đó, cần đề ra chiến lược lâu dài và các mục tiêu cụ thể. Về hướng lâu dài, cây mai vàng phải trở thành một sản phẩm chủ lực, một loại hàng hóa tạo ra thu nhập, góp phần phục vụ phát triển kinh tế thông qua du lịch, thông qua thương mại hóa các sản phẩm đặc trưng mang bản sắc văn hóa Huế ■