menu_open
Chuyên gia góp ý để đưa Thừa Thiên Huế sớm trở thành xứ sở Mai vàng của Việt Nam
Xem cỡ chữ:
Để đưa Thừa Thiên Huế sớm trở thành xứ sở Mai vàng của Việt Nam, các chuyên gia đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực nhằm bảo tồn, phát huy giá trị giống hoa quý này.

Mới đây, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức hội thảo cấp tỉnh với chủ đề "Tiềm năng phát triển và định hướng bảo tồn các giống Mai vàng Huế". Tại hội thảo này, các chuyên gia đã đóng góp nhiều ý kiến để bảo tồn, phát huy giá trị giống hoa quý này nhằm xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành xứ sở Mai vàng của Việt Nam.

Chưa phát huy hết tiềm năng giống hoa quý

TS. Hồ Thắng, Giám đốc Sở KHCN tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, Mai vàng Huế hay còn gọi là Hoàng mai Huế - là loại sinh vật cảnh quý của Việt Nam được trồng từ lâu đời ở cung đình, phủ đệ, dinh thự, sân đình, cửa chùa, sân nhà người dân... tạo nên vẻ đẹp sang trọng, trở thành một biểu tượng sắc xuân của thiên nhiên và con người Huế, gắn liền với đời sống thường nhật của Huế.


Quang cảnh buổi hội thảo về Mai vàng Huế.

Mai vàng Huế có vẻ đẹp đặc trưng mà ít loài hoa nào có được, là một loại cây thể hiện cốt cách, con người, đã đi vào lịch sử, thơ ca, hội họa. Đặc trưng nhận biết của hoa Mai vàng Huế được xác định đó là: có lộc xanh, cành lộc dày; hoa cuống ngắn; 5 cánh màu vàng đậm, viền lượn sóng, mặt phẳng, các cánh xếp khít nhau, có mùi thơm dịu nhẹ.

Không chỉ ghi dấu ấn trong văn hóa lễ hội hoa xuân mỗi độ Tết đến xuân về, Mai vàng Huế còn được khẳng định thương hiệu bởi những giá trị nghệ thuật bonsai với những bàn tay khéo léo của nghệ nhân đã làm cho Mai vàng Huế nâng cao giá trị thương hiệu và giá trị kinh tế lớn cho những người trồng mai.


Mai vàng (hoàng mai) là giống hoa quý của Huế.

Tuy nhiên, cũng theo TS. Hồ Thắng, hiện nay, Mai vàng Huế chưa phát huy được các tiềm năng, giá trị vốn có. Chưa tận dụng tốt tiềm năng ngành kinh tế sinh thái hoa - cây cảnh để tạo lên một thương hiệu tầm cỡ như Hà Lan - xứ sở hoa Tulip; Nhật Bản - xứ sở của hoa Anh Đào; Bulgaria - xứ sở hoa hồng…

"Cho đến nay, loài hoa quý này chưa được nghiên cứu bài bản về đặc tính sinh thái, bảo tồn nguồn gen, và các giải pháp để phát triển cây mai vàng trở thành một sản phẩm đặc trưng độc đáo của vùng đất Cố đô, mặc dù là một loài hoa quý, nổi tiếng nhưng chưa được nghiên cứu để nâng tầm phát triển thương hiệu để trở thành một biểu tượng một sản phẩm văn hóa, du lịch, một sản phẩm chủ lực của địa phương và hơn thế có thể xây dựng Huế trở thành xứ sở mai vàng của Việt Nam", TS. Hồ Thắng nhìn nhận.

Xây dựng Lễ hội mai vàng xứ Huế

Tại hội thảo được tổ chức lần này, các chuyên gia đã đóng góp rất nhiều ý kiến với mong muốn xây dựng Thừa Thiên Huế sớm trở thành xứ sở Mai vàng của Việt Nam.

Theo PGS.TS. Đỗ Xuân Cẩm, Chuyên gia Thực vật học Trường Đại học Nông lâm Huế, việc xác định cụ thể các giống Mai vàng 5 cánh hiện hữu ở Thừa Thiên Huế hiện nay là yêu cầu cấp thiết, sẽ giúp cho việc bảo tồn và phát triển hiệu quả giống Mai vàng đặc hữu của Thừa Thiên Huế. Từ đó, Hội Mai vàng của địa phương sẽ có định hướng hữu hiệu trong việc bảo vệ thương hiệu và sản xuất giống "Mai vàng Huế" sau này.


 Du khách chụp ảnh với mai vàng Huế tại triển lãm trong khuôn khổ chương trình hội thảo..

Trong khi đó, PGS.TS. Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả cho rằng, bên cạnh việc áp dụng các giải pháp bảo tồn giống mai Huế hiện có, cũng cần chọn, tạo thêm những giống mai mới có những đặc tính mới, khắc phục được các tồn tại của giống mai Huế hiện có, một mặt để đa dạng hóa sản phẩm, mặt khác để nâng cao hơn nữa chất lượng cây mai, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Ứng dụng công nghệ tạo giống đột biến để tạo ra những cá thể mai vàng mới, có các đặc tính nổi trội, để làm nguồn giống gốc, đầu dòng, từ đó nhân giống vô tính, ra hàng loạt các cây có những đặc tính tốt.


Ông Trần Hữu Thùy Giang, Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế đóng góp ý kiến tại hội thảo.

Nêu ra một số lễ hội gắn liền với các loài hoa đặc trưng của một số điểm đến trên thế giới, như đến Nhật Bản du khách được tham gia lễ hội hoa anh đào Hanami; đến với Úc có lễ hội hoa phượng tím tại Grafton, ông Trần Hữu Thùy Giang, Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế khẳng định, việc xây dựng Huế trở thành xứ sở của Hoàng Mai, tiến đến xây dựng Lễ hội Mai vàng xứ Huế và các sản phẩm, dịch vụ du lịch đi kèm là có cơ sở và có tính khả thi.

"Thực tế cho thấy trong dịp Tết Nguyên đán hai năm vừa rồi, hai vườn Mai vàng trước Đại Nội và công viên trên đường Lê Duẩn với sắc hoa vàng rực rỡ đã trở thành những điểm thu hút người dân và du khách đến thưởng lãm", ông Trần Hữu Thùy Giang nêu ra dẫn chứng.

Tại hội thảo, ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cũng nhận định, tỉnh Thừa Thiên Huế có đủ điều kiện để phát triển cây Mai vàng trở thành thương hiệu nổi tiếng như hoa anh đào Nhật Bản.

Để làm được điều này, theo ông Phan Ngọc Thọ cần phải đề ra chiến lược lâu dài và các mục tiêu cụ thể để Mai vàng Huế gắn liền với các giá trị lịch sử, giá trị văn hóa và nhân văn của Huế. Phải xây dựng được thương hiệu Mai vàng Huế. Phải quy hoạch vùng trồng, xây dựng được quy trình nhân giống, mô hình điểm để nhân rộng Mai vàng Huế. Qua đó, sớm hoàn thành và đưa vào hoạt động Hội Mai vàng Huế, tạo sự thống nhất, để hỗ trợ và phát triển Hội tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.

"Về lâu dài, cây Mai vàng Huế phải trở thành một sản phẩm đặc trưng, góp phần phục vụ phát triển kinh tế thông qua du lịch, thông qua thương mại hóa các sản phẩm đặc trưng mang bản sắc văn hóa Huế. Song song đó, phải tiếp tục thực hiện phong trào "Mai vàng trước ngõ", đi ra ngõ sẽ gặp Mai vàng, tạo dấu ấn, biểu tượng của thiên nhiên và con người Huế", ông Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh.

Lê Chung