menu_open
Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin để đón đầu cơ hội - Kỳ II: Bốn giải pháp đột phá
Xem cỡ chữ:
Nhằm đưa công nghệ thông tin (CNTT) trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng kế hoạch về phát triển nguồn nhân lực CNTT với mục tiêu chung là xây dựng đội ngũ nhân lực CNTT đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành công nghiệp CNTT của tỉnh định hướng đến năm 2025.

Giảng viên khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế hướng dẫn sinh viên thực hành. Ảnh: Hữu Phúc

Giấc mơ sáng tạo số  

Thừa Thiên Huế dự kiến có một giải pháp đồng bộ để thu hút nguồn nhân lực chuyên gia cao cấp trong và ngoài nước về làm việc tại Huế, trong đó có những người con của Huế. Lãnh đạo tỉnh sẽ phát đi một thông điệp về chiến lược phát triển kinh tế theo hướng chuyển dịch cơ cấu, lấy công nghiệp CNTT làm động lực đổi mới, từ đó xây dựng khát vọng của người dân Huế về một Giấc mơ Huế - Giấc mơ của sáng tạo số. Những người con Huế từ khắp nơi, chuyên gia cao cấp về CNTT sẽ đến Huế làm việc và cùng địa phương thực hiện một giấc mơ sáng tạo, trong một môi trường làm việc an toàn, “Xanh - sạch - sáng”.

Tỉnh cũng tập trung xây dựng đội ngũ giảng viên CNTT tại các trường đại học, cao đẳng vừa là người truyền thụ kiến thức cho sinh viên, vừa là người quản lý doanh nghiệp nhằm giữ, thu hút sinh viên CNTT ở lại Huế làm việc. Mỗi giảng viên CNTT là một cố vấn khởi nghiệp trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo công nghệ số tại các cơ sở đào tạo về CNTT.

Lãnh đạo tỉnh cũng đã định hướng các cơ sở đào tạo hình thành các câu lạc bộ về trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, thay đổi nội dung dạy và học của môn tin học trong chương trình giáo dục phổ thông, xây dựng quỹ học bổng để đào tạo ngành CNTT cho các em đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi, sinh viên đạt giải trong các kỳ thi Olympic về tin học. Đây là nguồn nhân lực lâu dài để hình thành đội ngũ nhân lực cao cấp, nhân lực quản lý về CNTT trong tương lai.

Bốn giải pháp đột phá

Để hoàn thành những mục tiêu phát triển nguồn nhân lực CNTT của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung, trong giai đoạn tới, chúng ta cần tiến hành rà soát, đánh giá toàn diện công tác đào tạo với nhiều yêu cầu và giải pháp mang tính lâu dài, đó là:

Thứ nhất, cần nhất quán phương châm chủ động đón đầu xu thế và yêu cầu của thị trường lao động. Bài toán về phát triển nguồn nhân lực nói chung, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh hiện nay đã có thêm những tiêu chí, điều kiện ràng buộc mới, hết sức khó khăn, đòi hỏi sự đổi mới toàn diện trong công tác đào tạo. Các cơ sở đào tạo phải nhanh chóng thay đổi từ phương pháp cũ sang cách tiếp cận mới để chủ động triển khai các công nghệ hiện đại từ cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ và hướng đến cùng doanh nghiệp làm chủ công nghệ, đón đầu xu hướng. Điều này sẽ giúp chúng ta tránh được nguy cơ tụt hậu và đào thải.

Một số chuyên ngành cũng như những kỹ năng, kiến thức mới cần được các trường nghiên cứu, bổ sung như: Cơ điện tử; CNTT, trong đó đặc biệt chú trọng lĩnh vực khoa học dữ liệu, an ninh, an toàn thông tin… Đặc biệt, đổi mới phương thức đào tạo và quản trị đại học, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, công nghệ số vào trong hoạt động giảng dạy và quản trị trường đại học; nâng cao năng lực và chất lượng của đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đại học cũng như cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Thứ hai, cần đẩy mạnh công tác dự báo nhu cầu thị trường nhân lực CNTT trong tương lai gần và xa hơn. Đây là nội dung cần được đặc biệt quan tâm, bởi cuộc cách mạng 4.0 sẽ có tác động rất lớn tới cơ cấu của nền kinh tế cũng như cơ cấu về nguồn nhân lực với tốc độ thay đổi rất nhanh; khả năng suy giảm, thậm chí mất đi của nhiều ngành nghề cũng như sự xuất hiện mới của những ngành nghề trong tương lai (trong đó có ngành công nghiệp CNTT) là hoàn toàn có thể xảy ra, điều này sẽ dẫn tới những thay đổi rất lớn trong cơ cấu việc làm. Từ việc dự báo nhu cầu và xu hướng việc làm, các đơn vị đào tạo cũng phải lưu ý việc điều chỉnh về phương thức đào tạo để tăng năng lực học tập liên tục và chuyển đổi nghề nghiệp, thay đổi môi trường làm việc cũng là một nhiệm vụ trong công tác dự báo.

Thứ ba, thực hiện tốt sự kết hợp giữa 3 “nhà”: Nhà trường - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực phục vụ cách mạng 4.0. Hiện tại, chủ yếu là phía doanh nghiệp có nhu cầu gắn kết với nhà trường - nhà khoa học, còn nhà trường, nhất là các trường công lập, chỉ tập trung công tác đào tạo chứ chưa chủ động hợp tác với doanh nghiệp hoặc các chương trình hợp tác chỉ mới ở mức độ tuyển sinh và tuyển dụng việc làm. Các trường đại học trong nước cần học tập kinh nghiệm đào tạo của các trường đại học ở nước ngoài, nhất là trong việc xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo, các phòng thử nghiệm Fablab gắn rất chặt với doanh nghiệp tại trường đại học, cao đẳng.

Thứ tư, cần rà soát, sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của thị trường lao động trong cả nước, từng vùng và địa phương. Nâng cao chất lượng đào tạo của các trường sư phạm. Thực hiện tốt công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng. Xây dựng cơ chế, chính sách phân luồng đào tạo sau trung học cơ sở, gắn với đào tạo nghề và phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông. Đẩy mạnh và hướng tới hoàn thiện nền kinh tế tri thức, trong đó, công nghiệp CNTT phải là chuyên ngành mũi nhọn cần tập trung chú trọng trong hướng nghiệp, đào tạo nhằm góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cấp thiết của nền kinh tế số đang phát triển mang tính toàn cầu.

Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế
Các bài khác