Ký Thưởng viên (nay là Phủ Tùng Thiện vương) là một vương phủ bề thế và quy mô, cả trong lẫn ngoài có đến 16 công trình kiến trúc, như: Thương Hà Bạch Lộ đường (nơi tiếp đãi sĩ phu, cũng là nơi tiếp nhận các bản thảo thi văn của vua Tự Đức do Thị vệ chuyển từ Đại Nội sang để Tùng Quốc công nhuận sắc giúp vua), Mô trường (nơi Tùng Quốc công cùng các huynh đệ, bằng hữu, con cháu, học trò ngâm vịnh thi phú), Bạch Bí (nơi ở của các bà vợ của Tùng Quốc công), Tùng Vân (thư phòng để thơ văn và bút nghiên), Cổ Cầm đình (nơi Tùng Quốc công đàn hát, đánh cờ, chơi mạt chược với gia nhân và bằng hữu), Mặc Vân sào (nơi lưu trữ và tra cứu kinh, sử, tử, truyện của Nho giáo), Xuy Tiêu ủy (nơi Tùng Quốc công thường thổi sáo trúc cùng các nghệ nhân), Sở Tụng đình (vườn trồng cam, quýt, bưởi, phật thủ…), Hàn Lục hiên (vườn trồng hoa), Vô Phi tân tạ (nhà tắm nằm bên cạnh hồ nước có dựng giả sơn), Nhất Quyên thạch (cầu đá được bắc qua hồ nước để ngắm cảnh), Không Minh bộ (đường đi dạo quanh Ký Thưởng viên), Thanh Tịnh thối (cửa đi vào phủ, về sau đổi gọi là Tùng Thiện vương từ môn), Bến phủ (bến nước trước phủ, dân gian vẫn gọi là “bến phủ Tùng”, nơi có chiếc thuyền buồm nhỏ để Tùng Quốc công dạo chơi trên sông Lợi Nông và sông Hương)…
Ký Thưởng viên không phải là một vương phủ kín cổng cao tường như các phủ đệ khác. Đây là chốn tụ hội của giới văn nghệ sĩ xứ Huế đương thời, nơi gặp gỡ của tao nhân mặc khách: “Không ngày nào số văn nhân hội họp không dưới nửa trăm người. Tùng Thiện vương cũng như một vị Mạnh Thường Quân nho nhỏ”. Chính tại Ký Thưởng viên, Tùng Quốc công đã lập nên Tùng Vân thi xã, về sau đổi thành Mặc Vân thi xã, quy tụ các văn nhân tên tuổi ở Huế đô, cùng nhau sáng tác và ngâm vịnh thi phú.