Du khách tham quan rú Chá
Đặc sản Rú Chá
Điều thú vị và độc đáo mà bất cứ ai từng đến rú Chá đều không khỏi ngỡ ngàng là cảnh quan tự nhiên tại rú Chá còn nguyên sơ, lý tưởng cho các loài chim, cò trắng đến trú ngụ.
Quanh rú Chá là vùng đầm phá rộng lớn, quần tụ nhiều loài thủy đặc sản tự nhiên như cá bống thệ, cá mú, lươn, kình... Nguồn thủy sản dồi dào là cơ hội, điều kiện phát triển du lịch rú Chá. Du khách đến đây không chỉ thưởng thức các món thủy sản tươi ngon mà còn có thể trải nghiệm đời sống ngư dân đầm phá qua việc đánh bắt thủy sản, như đổ nò, câu cá, bủa lưới...
Ông Nguyễn Đáp sống cạnh rú Chá, cũng là người canh giữ rú mấy chục năm nay, cho biết: “Lâu nay có rất nhiều khách đến tham quan. Nhiều đôi trai gái đến để chụp ảnh cưới, chụp hình lưu niệm. Một nhóm cán bộ hưu trí (trưởng nhóm là bà Nguyễn Thị Thọ ở TP Huế), hay vài nhóm thanh niên ở TP Huế thường xuyên đến đây giải trí, thưởng ngoạn vào các ngày cuối tuần. Họ thường nhờ nhà tôi để nghỉ chân và ăn uống. Những món ăn được du khách ưa thích là cá tươi hấp, kho tộ và gà”. Không hiểu lý do gì mà “gà rú Chá” thịt thơm, ngon hơn hẳn gà nuôi ở những nơi khác. Ông Đáp tiết lộ: “Gà nuôi ở đây rất ít khi cho ăn thóc, hay cơm, chủ yếu ăn hạt cây chá. Nguồn hạt chá ở đây rất dồi dào, trở thành món khoái khẩu của gà. Có thể nhờ ăn hạt chá mà gà nuôi ở đây rất ngon”…
Đề xuất xây dựng khu du lịch sinh thái
Theo ông Nguyễn Văn Đáng, Trưởng thôn Thuận Hòa thì người dân lâu nay chủ yếu trồng lúa, nuôi trồng thủy sản, ổn định cuộc sống, rất khó vươn lên, nên việc hình thành khu du lịch rú Chá là cơ hội. Rất tiếc điều kiện, kinh phí để khai thác tiềm năng phát triển du lịch nằm ngoài khả năng của chính quyền và người dân địa phương.
Chủ tịch UBND xã Hương Phong - ông Trần Viết Én cho biết, phát triển khu du lịch sinh thái rú Chá là ý tưởng, định hướng từ lâu của Đảng ủy, chính quyền địa phương. Nhưng việc xây dựng khu du lịch không phải “một sớm một chiều”, đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, trong khi đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Các bước đi đầu tiên mà địa phương tiến hành là bảo vệ môi trường, phát triển diện tích rú Chá thông qua việc trồng cây ngập mặn. Đảng ủy, chính quyền địa phương cũng đã đề xuất cấp trên phê duyệt chủ trương cho phép xây dựng rú Chá trở thành khu du lịch sinh thái. Sau khi có quyết định của UBND thị xã Hương Trà, chính quyền địa phương sẽ tiến hành quy hoạch chi tiết làm cơ sở đề xuất cấp trên đầu tư kết cấu hạ tầng, kêu gọi các nhà đầu tư…
Xã Hương Phong đã thuê đơn vị tư vấn thiết kế, quy hoạch chi tiết khu du lịch sinh thái rú Chá. Dự kiến, khu du lịch bao gồm các điểm vui chơi giải trí, dịch vụ nhà hàng, du thuyền, nhà nghỉ và hoạt động trải nghiệm đầm phá… Quá trình xây dựng khu du lịch, địa phương đề xuất đầu tư khai thác, mở rộng tuyến hành lang du lịch làng nghề Thanh Phước, mỏ nước khoáng Thanh Phước (thuộc xã Hương Phong) đưa vào chuỗi du lịch sinh thái rú Chá…
Ông Phạm Ngọc Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, mới đây chi cục triển khai trồng mới 4,7 ha rừng ngập mặn để mở rộng diện tích rú Chá lên 10 ha; xây dựng một số tuyến đường giao thông, chòi canh… với kinh phí trên 2 tỷ đồng nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng khu du lịch sinh thái. Định hướng của chi cục và chính quyền địa phương sẽ mở rộng diện tích rú lên 30 ha.