Chùa Báo Quốc tọa lạc trên đồi Hàm Long trên đất xưa gọi là làng Thụy Lôi, gần với xóm Lịch Đợi nay nằm ở đường Báo Quốc, thuộc phường Phường Đúc, thành phố Huế... Từ đây nhìn xuống hướng đông là đường Điện Biên Phủ (con đường dẫn lên đàn Nam Giao) và nhìn về hướng bắc là ga xe lửa. Chùa được xây dựng theo hình chữ Khẩu, do Hòa Thượng Giác Phong (người Quảng Đông, Trung Quốc) khai sơn vào thế kỷ 17, vào thời kỳ vua Lê Dụ Tông và có tên là Hàm Long Tự.
Đến năm 1747, Hiếu Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát cho trùng tu chùa và ban cho chùa tấm biển chữ Hán “Sắc Tứ Báo Quốc Tự”, bên trái có ghi hàng chữ Quốc Vương Từ Tế đạo nhân ngự đề, bên phải có dòng lạc khoản Cảnh Hưng bát niên hạ ngũ nguyệt cát nhật. Ngoài ra còn có dấu chạm khắc hình bốn cái ấn, một cái triện tròn khắc chữ Quốc Chúa Nam Hà. Hiện vẫn còn tấm biển vàng thếp vàng và những bức liễu từ thời ấy.
Năm 1776, chùa bị hư hỏng nặng, rơi vào cảnh hoang phế. Cho đến năm 1808, hoàng hậu Hiếu Khương cho tái thiết ngôi chùa, xây tam quan, chú tạo nhiều tượng Phật, đúc bảo khánh, đại hồng chung … Đại hồng chung nặng 826 cân ta, cao 1,4m, đường kính 1,2m nay vẫn còn. Ngoài việc tái thiết ngôi chùa, hoàng hậu Hiếu Khương đã xin 30 mẫu ruộng nước và 10 mẫu đất khô tặng cho chùa làm tự điền; và bà can thiệp lấy lại 22 mẫu đất bị chiếm đoạt dưới thời Tây Sơn để trả lại cho chùa. Cũng thời gian đó, Vua Gia Long chỉ dụ đổi tên chùa là Thiên Thọ Tự.
Năm 1824, vua Minh Mạng ngự thăm chùa và sắc lấy tên “Báo Quốc Tự”, vì chữ Thiên Thọ để chỉ núi và lăng vua Gia Long là Thiên Thọ Sơn và Thiên Thọ Lăng. Nhà vua đã tổ chức đại giới đàn tại chùa nhân lễ tứ tuần khánh thọ vào năm 1830.
Đến năm 1858, do chùa bị hư hỏng nhiều, vua Tự Đức và hoàng thái hậu Từ Dũ đã ban tiền trùng tu ngôi chánh điện và các công trình khác. Đời vua Tự Đức và đời vua Thành Thái, nhiều buổi lễ lớn cũng đã được tổ chức ở chùa.
Theo Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế: “Năm 1948, An Nam Phật Học Hội dời Sơn môn Phật học đường từ chùa Linh Quang về chùa Báo Quốc do Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, sau này trở thành Tăng Thống Giáo hội, làm Giám đốc. Chùa Báo Quốc đã trở thành một trung tâm đào tạo tăng tài. Người tiếp nối sự nghiệp giáo dục tăng ni và làm trụ trì chùa Báo Quốc là Hòa thượng Thích Trí Thủ. Hòa thượng cũng là người lập ra trường Bồ Đề ở thành nội năm 1952 mà về sau phát triển thành một hệ thống trường Bồ Đề khắp các tỉnh miền Trung và miền Nam trước năm 1975. Ngày nay chùa Báo Quốc là nơi đặt trường trung cấp Phật học Huế. Chùa còn giữ được Hàm Long Sơn Chí, một tác phẩm của Điềm Tịnh cư sĩ bằng chữ Hán ghi lại lịch sử phát triển của Phật giáo Thuận Hóa”.
Theo trang huefestival.com, bài Chùa Báo Quốc có đoạn: “Từ năm 1959, trong khuôn viên của chùa, trường tiểu học Hàm Long được thành lập do thầy Thiên Ân làm hiệu trưởng. Đến năm học 1961-1962, trưởng mở thêm bậc trung học do thầy Thân Trọng Hy làm hiệu trưởng. Kế tiếp hiệu trưởng là các thầy: Trương Như Thung, Thích Phước Hải, Thích Thiện Hạnh, Thích Đức Thanh, Thích Hải Ấn. Ban đầu trường có tên là Trường trung tiểu học tư thục Hàm Long, sau đổi tên là Trường Bồ Đề Hàm Long, hoạt động đến năm 1975”.
Trải qua nhiều đời trụ trì chùa thì trụ trì chùa lâm thời là Hòa thượng Thích Đức Thanh, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN và đồng thời là Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế.
Mặt sân rộng rãi trước khu Chính Điện - Ảnh: Tấn Nhật
Chùa Báo Quốc không chỉ là chốn thanh tịnh, yên bình cho những tâm hồn hướng về cõi Phật mà còn là Trung tâm Phật học của Huế thu hút hàng trăm tăng lữ tham gia học tập, tu dưỡng mỗi năm và chùa Báo Quốc cũng được nhiều du khách bốn phương vãng tự, chiêm ngưỡng như là một di tích cổ kính, mang đậm nét thiền tập của mảnh đất thần Kinh xưa.
Chùa Báo Quốc có diện tích khuôn viên rộng khoảng 2 ha. Nhìn từ phía ngoài vào chùa là cổng Tam Quan quy mô đồ sộ với vài chục bậc thang cao còn lưu dấu thời gian qua nét rêu phong cổ kính có từ lâu đời.
Khu vực bên ngoài chính điện - Ảnh: Internet
Chùa Báo Quốc được xây dựng kiểu chữ “khẩu” với mặt trước là ngôi chánh điện, phía sau ngôi chánh điện hai bên có hai dãy nhà là nhà khách và tăng xá, sau cùng là nhà hậu. Các dãy nhà khép kín thành hình vuông trông giống chữ “khẩu” trong chữ Hán. Ngay sau Cổng Tam Quan là sân rộng với những tán cây xanh rợp bóng tạo cảm giác thư thái, thanh tịnh . Không gian ở giữa là vườn cây cảnh. Kiểu kiến trúc này đã tạo ra một không gian yên tĩnh, thoáng mát, có được ánh sáng lẫn hương vị hoa trái đến các dãy nhà.
Không gian thoáng mát và yên tĩnh - Ảnh: Internet
Ngôi chánh điện của Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc trùng lương trùng thiềm, là kiểu kiến trúc truyền thống của Việt Nam có ba gian hai chái với những nét trang trí rất công phu, các trụ cột, bên vách tường đều có hoa văn bằng mảnh sành hay những họa tiết hình rồng. Các tượng Phật được thờ trong chính điện đều đặt trang nghiêm trong khung kính. Án giữa thờ tượng Phật Tam Thế, đức Phật Thích Ca và hai tôn giả Ca Diếp, A Nan. Án hai bên thờ tượng Bồ tát Quán Thế Âm và Bồ tát Địa Tạng.
Khu vực thờ cúng bên trong chính điện - Ảnh: Tấn Nhật
Trong khuôn viên chùa Báo Quốc còn có Tượng đài Quan Thế Âm Bồ Tát, phía sau Chùa là khu tháp Tổ, là khu tháp của Ngài Giác Phong - Tổ khai sơn ngôi cổ tự này. Xung quanh chùa đều là các cây xanh lâu năm với những tán lá rộng nên rất thoáng mát và yên tĩnh.
Tượng phật Quan Thế Âm Bồ Tát - Ảnh: Tấn Nhật
Khu Tháp Tổ được xây bằng đá - Ảnh: Tấn Nhật
Ngoài ra, ở dưới chân đồi của ngôi chùa về phía Bắc còn có giếng nước nổi tiếng nước trong, thơm và ngọt, sâu độ 5 đến 6, mạch nước ở giếng phun ra như vòi rồng nên có tên gọi là giếng Hàm Long.
Giếng thiêng Hàm Long - Ảnh: Tấn Nhật
Nếu Quý du khách muốn được vãng cảnh chùa để tìm kiếm cho tâm hồn mình chút thanh tịnh, bỏ lại sau lưng những bộn bề của cuộc sống thường nhật thì hãy một lần viếng thăm Báo Quốc – ngôi cổ tự danh tiếng của kinh đô Huế xưa…
Chùa Báo Quốc - Trường Trung cấp Phật học Huế
- Địa chỉ: 17 Bảo Quốc, phường Phường Đúc, Thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, Việt Nam
- Điện thoại: +84 234 3822 297
Bài viết có sử dụng tư liệu tham khảo của:
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế
- Trang visithue.vn
- Trang huefestival.com
Khám phá Huế xin giới thiệu một số cảnh trí bên trong của Chùa: