menu_open
Chiều tím trên Phá Tam Giang
Xem cỡ chữ:
Gió chiều tạt lồng lộng, ngồi thưởng thức những món ăn của chính vùng đầm phá mới thấy cuộc sống thật thanh bình. Hình ảnh chiều tà buông rủ trên con phá mênh mông sông nước khiến du khách như tôi ngẩn ngơ...

Nói đến Phá Tam Giang, chắc nhiều người sẽ lắc đầu ngán ngẩm bỏi sự cách trở và nhiều sóng gió nguy hiểm và quá hoang sơ. Những xã ven đầm phá giống  như ốc đảo, sống cách biệt thế giới bên ngoài với nhiều cái không: “Không đường, không điện, không trường, không trạm y tế”.

Nhưng đó là trước kia. Giờ chính những nét hoang sơ đó của đầm Phá lại trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách. Những người làm du lịch Thừa Thiên Huế khẳng định với nhau rằng: Đầm phá Tam Giang là một tài nguyên vô giá có một không hai ở Việt Nam.

Cách thành phố Huế 15 km về phía Bắc, phá Tam Giang là nơi hội tụ của 3 con sông lớn là sông Ô Lâu, sông Hương và sông Bồ trước khi đổ ra biển qua cửa Thuận An. Đầm phá Tam Giang có 22 ngàn ha mặt nước. Đây là khu vực đầm phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á.Chỉ chừng 15km chạy xe xuôi theo bên bờ con sông Ô Lâu, qua khu phố cổ Bao Vinh rồi tới bến đò Vĩnh Tu. Từ đây, xuống đò mà lựa theo những con sóng bồng bềnh, len lỏi qua những dẫy hàng rào cọc tre buộc lưới, theo con đường của những người dân chài làng Thái Dương Hạ mà khám phá vẻ đẹp của vùng đầm phá mênh mông.

Thú vị nhất là thưởng ngoạn vẻ đẹp hoang sơ của Phá Tam Giang vào buổi chiều tà. Trên phá, bập bềnh vài chiếc thuyền chạy dọc theo những dãy cọc, những hàng rào lưới giăng như những ma trận khiến ta không thể xác định phương hướng nếu như không phải người dân của làng chài trên phá. Xa xa là rừng phi lao chạy ngang phía cuối chân trời như giúp ta phân định ranh giới mờ mờ giữa trời và nước. Con đầm rộng lớn và trải dài tít tắp sóng sánh trong ánh chiều rạng rỡ. Thiên nhiên đã ban tặng cho người dân xứ Huế một bức tranh sơn thủy hữu tình.

Chúng tôi đến Phá Tam Giang vào một buổi chiều như thế. Với tôi, dù nhiều lần đến Huế nhưng đây là lần đầu tới Phá Tam Giang. Phá đẹp đến ngỡ ngàng, khiến cho trái tim đập loạn nhịp như  đứng trước một cô gái đẹp. Phá rộng mênh mang đến nỗi chỉ cần một bóng cò lướt qua cũng khiến cho bất cứ ai giật mình thổn thức. Con đò mỏng manh đưa chúng tôi len qua những hàng cọc lưới tiến về phía hoàng hôn đang dần hạ xuống, có lẽ sẽ rất khó có thể tìm thấy ở Việt Nam một nơi giống ở đây, nơi có thể đón bình minh và hoàn hôn ở cùng một chỗ. Trong bóng chiều thẫm tím ấy, những chiếc nón nổi lên trên làn nước trong xanh đẹp một cách lạ lùng khiến cho ánh mắt tò mò của chúng tôi như dính vào mặt sóng mà khám phá. Những chóp nón trắng nhấp nhô khiến người ta dễ liên tưởng tới những Kim Tự Tháp mọc lên trên mặt nước. Để rồi khi đò đến đủ gần mới ngỡ ngàng nhận ra bên dưới những bóng nón bồng bềnh trôi ấy chính là những ngư dân đang cào nghêu.

Qua anh lái đò tên Chung chúng tôi được biết ngư dân ở đây sống chủ yếu bằng  nghề đánh bắt và nuôi trồng hải sản. Đàn ông sáng dong thuyền ra khơi còn đàn bà thì vào phá cào nghêu. Chỉ với dụng cụ là cây cào và chiếc nón trên đầu người phụ nữ nơi đây ngâm mình hàng giờ trong nước để cào đãi những con nghêu. Chị Thương đang lúi húi nhặt những con nghêu trong lưới cũng góp thêm vài lời “ nghề ni vất vả lắm cô ạ, thu nhập theo con nước bữa đực bữa cái ngày nào cào khỏe cũng chỉ độ 10kg còn  bình thường  5-7 kg thôi”. Vất vả là vậy nhưng thu nhập của người cào nghêu không cao, trong khi giá nghêu bán trên thị trường có lúc lên tới vài chục ngàn/kg thì thương lái mua lại của các chị chỉ từ 2000/3000 kg. Đằng sau những  bóng nón như những điểm nhấn hút mắt người trong bóng chiều chạng vạng,  là những đôi chân gầy guộc, nhợt nhạt vì phải ngâm mình lâu trong nước, là những thân phận phụ nữ quanh năm làm bạn với con nước của vùng phá Tam Giang

Trong sự mênh mang của buổi hoàng hôn, những chiếc thuyền con rẽ thành nhiều ngả rồi lặng lẽ khuất dần vào giữa mê cung cọc tre lòng vòng vẽ những con đường trên nước, trả lại cho đầm phá tiếng ì oạp của những con sóng vỗ bờ. Đò lại cập bến Vĩnh Tu. Những đứa trẻ nô đùa ở phía bên kia cầu buộc ghe-đò, nơi nước chỉ xâm xấp mắt cá chân, rồi kết thúc bằng những pha nhào lộn tắm sông ở khu nước trong trước khi về nhà dùng bữa. Cô bạn trẻ cùng đoàn người gốc Huế vốn đang là sinh viên một trường đại học không dấu nổi những cái nhìn cuối cùng đầy lưu luyến trước khi rời khỏi bến đò.

Con đầm rộng lớn và trải dài tít tắp sóng sánh trong ráng chiều lung linh huyền ảo là những cảnh tượng khó quên trong lòng du khách. Không chỉ vậy, thiên nhiên đã ban tặng cho người dân xứ Huế cả một thảm thực vật phong phú với bức tranh sơn thủy hữu tình. Theo Ông Nguyễn Quốc Thành, Phó giám đốc Sở Văn hoá Thể thao, Du lịch Thừa Thiên Huế, nói đến du lịch là nói đến sự khám phá cái mới, cái khác lạ của văn hóa, việc đầu tư khai thác du lịch Đầm phá Tam Giang hứa hẹn một sản phẩm du lịch đặc sắc hấp dẫn không nơi nào có được. Những người làm du lịch đã ví tiềm năng du lịch của Tam Giang - Cầu Hai như là “kho vàng” chưa mở của du lịch Huế. Đây là một vùng đầm phá có tính đa dạng sinh học cao với thành phần nguồn gen phong phú cả động thực vật trên cạn và dưới nước.

Ngoài nguồn lợi thuỷ sản phong phú, Tam Giang còn là một thuỷ vực điều hoà khí hậu khổng lồ, góp phần chắn bão lũ cho thành phố Huế. Hệ đầm hứng nước của hầu hết các con sông trong tỉnh Thừa Thiên nên nước đầm tương đối ngọt rồi chuyển lợ vào mùa khô. Một số lượng lớn cá đánh bắt được trên phá Tam Giang sẽ được bán ngay về các chợ trong vùng hoặc bán cho thương lái các nơi, hay dùng để làm nguyên liệu trong các làng làm nước mắm ở địa phương.

Sau một hồi đi thuyền dọc ngang con phá, không gì thú bằng ghé lại một quán ăn ngay đầu con đò ngang, thưởng thức những đặc sản quý hiếm mà chỉ ở đầm phá mới có. Cá, mực, tôm, ghẹ tươi roi rói và nhảy tanh tách, thịt thơm ngọt. Món cá hấp đã ngon, ngao cũng không kém phần thơm ngọt dù ngao ở vùng phá này nhỏ hơn ngao ngoài biển. Ghẹ đặc biệt nhỏ chỉ bằng 3 ngón tay, nhưng ngọt và chắc.

Gió chiều tạt lồng lộng, ngồi thưởng thức những món ăn của chính vùng đầm phá mới thấy cuộc sống thật thanh bình. Hình ảnh chiều tà buông rủ trên con phá mênh mông sông nước khiến du khách như tôi ngẩn ngơ để rồi tự hứa với lòng mình sẽ còn quay trở lại nơi đây.