menu_open

Các điểm vệ sinh miễn phí phục vụ du khách tại thành phố Huế

  • Thông tin Information
  • Hình ảnh Gallery
  • 360
  • Tìm kiếm Search
Mùa lễ hội Aza
Xem cỡ chữ:
Cuối năm, đồng bào dân tộc vùng cao A Lưới kết thúc công việc nương rẫy cũng là lúc tiết trời se lạnh, trên các đỉnh núi, sương trắng bồng bềnh. Lúc này, người Pa cô, Tà ôi, Cơ tu, Pa hi háo hức chuẩn bị gạo nếp, thức ăn, trang phục để đón mùa lễ hội Ycha aza (lễ ăn cơm mới).

Năm nay, từ giữa tháng 11, lễ hội Aza bắt đầu được tổ chức ở A Lưới. Lồng ghép với lễ hội này là ngày hội đại đoàn kết dân tộc để thắt chặt tình đoàn kết thôn bản, cùng nhìn lại những gì đã làm được trong năm và cầu mong mùa màng bội thu trong năm mới.


Từ sáng sớm, người dân ở Hương Lâm mạc những bộ trang phục đẹp nhất đến lễ hội Aza

Xã Hương Lâm là địa phương đầu tiên ở A Lưới tổ chức ngày hội đại đoàn kết dân tộc lồng ghép với lễ hội Aza. Từ sau năm 1959 lễ hội này dường như bị quên lãng tại Hương Lâm. Bởi thế, từ sáng sớm trong trang phục truyền thống của đồng bào Cơ tu, bà con dân bản háo hức tập trung đông đủ tại Nhà văn hóa cộng đồng thôn A So 2.

Ông Hồ Sĩ Buột, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Hương Lâm cho biết: "Aza là lễ hội truyền thống của người Cơ Tu. Vì chiến tranh lễ hội này dần mai một. Trước năm 1959, Aza thường xuyên được tổ chức ở các thôn bản, song từ năm 1959 đến nay, lễ hội này vắng bóng hẳn. Năm nay, thôn A So 2 là địa phương được chọn tổ chức lễ hội đầu tiên của huyện A Lưới. Đây là cơ hội khôi phục truyền thống văn hóa của người Cơ Tu ở Hương Lâm, đồng thời là dịp bà con dân bản cùng sum vầy ăn cơm mới, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn cũng như xây dựng đời sống văn hóa".


Một tiết mục văn nghệ tại lễ hội

Tại lễ hội, ngoài những nghi thức cúng bái do già làng, trưởng họ đảm nhận còn có nhiều tiết mục dân ca, dân nhạc của đồng bào Cơ Tu, tạo nên một sắc màu văn hóa vùng cao. Già làng thôn A So 2 - Hồ Văn Sáp sau khi thức hiện nghi lễ hào hứng: “Lễ hội Aza mục đích cầu mong mùa màng tươi tốt, cầu thần linh phù hộ cho dân làng được sống yên vui, không ốm đau, bệnh tật. Giải quyết những bất hòa các họ tộc với nhau... Ngoài cúng thần nông nghiệp, đồng bào nơi đây còn cúng thần sông, thần núi, trời đất”.

A Lưới là nơi có nhiều dân tộc như, Pa cô, Tà ôi, Cơ tu, Pa hi…sinh sống nên lễ hội Aza ở mỗi dân tộc có những nét khác biệt. Nếu như người Tà ôi, Cơ tu chỉ tổ chức trong phạm vi họ hàng, gia đình thì dân tộc Pa cô lại tổ chức với quy mô cấp làng và có hai loại Aza đó là Aza koonh hay còn gọi là Aza pựt (quy mô lớn) và Aza kâr loh ku mo (quy mô nhỏ). Sự khác biệt đó thể hiện tính phong phú, đa bản sắc văn hóa vùng dân tộc thiểu số.

Trong các loại Aza, Aza koonh gồm nhiều nghi lễ như, nghi lễ A xa a rah (lễ tẩy rửa), nghi lễ Cha chootq (lễ chuẩn bị). Sau khi thực hiện các nghi lễ trên, già làng tiến hành cúng aza (phần lễ chính thức) gồm các bước: Nghi lễ Ka coong tro (lễ mời mẹ lúa), lễ cúng Aza (các vị giống cây trồng), lễ cúng Giàng Xứ (giàng sông, suối, gió, mây, núi, lửa…), lễ cúng Giàng  Ku muuiq (người đã khuất), lễ cúng Giàng Pa nuôn (vị thần che chở chi đi buôn bán), lễ cúng Giàng A zel, lễ cúng Giàng Cợt (vị thần ban tặng con người), lễ Cha ddoooi âr beh (lễ ăn cơm mới), lễ giao mâm cỗ.

Bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện A Lưới cho biết: “Aza là tết cổ truyền của dân tộc Pa cô nói riêng và các dân tộc Tà ôi, Cơ tu, Pa hi nói chung. Đây là nét văn hóa tốt đẹp, độc đáo cần được giữ gìn, phát huy và duy trì hàng năm theo chu kì. Ngoài thể hiện lòng thành kính đến các vị thần linh… lễ hội Aza còn để khẳng định tình cảm gắn bó thiêng liêng của con cháu trong làng bản. Năm nay, lễ hội Aza bắt đầu từ ngày 12/11 đến ngày 18/11, ngoài ra lồng ghép vào ngày hội đại đoàn kết dân tộc. Dịp này, nếu du khách đến với A Lưới sẽ được thưởng thức những nét văn hóa đậm chất vùng cao”.

Một số hình ảnh lễ hội Aza tại xã Hương Lâm:


Lễ hội Aza là dịp bà con dân bản trò chuyện để thắt chặt tình đoàn kết thôn bản


  Già làng cùng các trưởng họ thực hiện nghi thức cúng thần linh


Điệu múa za zã của người Cơ Tu được bà con trình diễn trong lễ hội


Già trẻ gái trai hòa chung giai điệu


Sâu tre, món ăn đặc trưng của núi rừng


Gìa làng Hồ Văn Xáp biểu diễn văn nghệ tặng quan khách


Lễ hội Aza là dịp các người cao tuổi truyền thụ những điệu múa dân gian cho lớp trẻ


Già làng xã Hương Lâm tặng quà cho đại diện lãnh đạo huyện trước khi chia tay


Tiếng cdol (một loại nhạc cụ của người Cơ tu) vang lên tiễn biệt quan khách.

Quỳnh Viên