menu_open

Các điểm vệ sinh miễn phí phục vụ du khách tại thành phố Huế

  • Thông tin Information
  • Hình ảnh Gallery
  • 360
  • Tìm kiếm Search
Bánh đúc mật – ăn lấy lộc đầu năm
Xem cỡ chữ:
Chắc chỉ mỗi xứ Huế này mới có Bánh đúc mật (thường gọi là bánh đúc xanh), tôi gọi nó là “món ngon chào năm mới” bởi người ta chỉ làm bán dịp cuối năm cũ, đầu năm mới và nhà nào cũng cố mua cho bằng được để ăn khi tiết trời vào Xuân.

Khi nghe tên Bánh đúc mật, mọi người cũng có thể hình dung nguyên liệu chính cho món ăn này là từ bột và có vị ngọt. Đơn giản vậy nhưng bánh lại rất đặc biệt vì chỉ bán vào mùa Xuân mà thôi. Lý giải cho điều này, người Huế cho hay, để tạo nên màu xanh lá cây cho bánh, họ dùng lá non của cây bồng bồng (bồn bồn) – một loại cây chỉ ra nhiều lá non vào dịp mùa xuân, vì vậy, từ xưa đến nay, người Huế chỉ làm món bánh đúc mật vào độ Tết đến xuân về, khác với các loại bánh khác có thể làm quanh năm.


Bánh đúc mật có màu xanh đặc trưng

Để làm ra được mẻ bánh đúc mật phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ. Gạo phải chà với nước cho thật sạch để khi đổ bánh không bị chua. Tiếp đó, ngâm gạo với nước tro để bánh được giòn ngon một cách tự nhiên. Sau đó, đem gạo xay lẫn với nước cho ra bột nước. Bột được xay đi xay lại cho đến khi thật nhuyễn mịn và lược qua rây cho sạch tạp chất. 

Đến công đoạn tạo màu cho bánh, tiếp tục rửa sạch và xay lấy nước cốt lá cây bồng bồng, đem trộn với bột gạo rồi đem lên bếp dáo bột. Khi bột đạt đến độ đặc sệt, đổ bột ra trên cái khay có lót lá chuối rồi dùng đôi đũa nấu bếp loại lớn gạt cho mặt bột phẳng lì. Cuối cùng đem vào hấp đến lúc chín thì mang ra để nguội.

Mật mía dùng để chấm bánh cũng được nấu chín, sau đó vắt chanh vào để tạo độ ngọt thanh, rất đặc biệt.

Bánh màu xanh được cắt từng miếng vừa ăn rất khéo, được gói lại trong miếng lá chuối tươi và kèm thêm hộp mật vàng bên cạnh, trông vừa quê cảnh, giản dị mà thanh sạch đến vô cùng. Để thưởng thức đúng điệu món ăn này, khi chấm mật người ta không dùng thìa hoặc đũa như khi ăn một số loại bánh khác mà dùng dao tre để quết mật lên bánh để ăn, rất kiểu cách Cố đô. Đây cũng là một trong những thức quà của tuổi thơ biết bao thế hệ người dân xứ Huế. Có thể ví, nếu như người dân Hà Nội tự hào với Cốm, thì Bánh đúc mật đầu xuân cũng là một nét ẩm thực không trộn lẫn của vùng đất kinh kỳ xứ Huế.

 

Người Huế quan niệm rằng ăn bánh đúc mật vào dịp Xuân về Tết đến cho tươi xanh, ngọt ngào và “ăn lấy lộc”. Các bà các mẹ những ngày này đi chợ sắm tết, dù tất bật, lỉnh kỉnh đến đâu cũng cố mua cho được gói bánh đúc mật về chia cho cả nhà cùng ăn vì lẽ đó. Bánh được bán theo từng gói, mỗi gói độ chừng 8-10 miếng được cắt ra vừa ăn, có giá 20-30.000 đồng nhưng rất đắt khách. Hiện nay, bánh có bán ở một số chợ như An Cựu, Bến Ngự và có thêm 1 địa chỉ cố định là 214 Phan Châu Trinh, Tp. Huế.

Lần dở từng lớp lá chuối tươi rồi nhẩn nha quẹt một miếng mật quết lên bánh đúc mà ăn, có vị ngọt thanh, nhẹ nhàng rất riêng, rất lạ. Chợt nhớ câu ca xưa “Thèm ăn một miếng đúc mật/Thương người chật vật giữ nét Huế xưa…

Tuệ Minh