menu_open
Thưởng lãm nhà vườn Kim Long – Huế
Xem cỡ chữ:
Người dân Kim Long luôn tự hào về vùng quê thanh bình của mình bên bờ sông Hương thơ mộng, với những nhà vườn truyền thống đẹp và mang đậm hồn Huế mà nhiều nhà văn hóa nhận xét: “nơi trú ngụ của những tâm hồn xứ Huế, kín đáo, thanh tao và hồn hậu” hay là “kiệt tác thơ về kiến trúc đô thị”...

 Hồn Huế trong nhà vườn Kim Long

Ngay từ đầu triều Nguyễn, Kim Long đã được xem là vùng đất hứa cho việc an cư sinh lập phủ đệ, tư thất của các hoàng tử, công chúa, công thần, khanh tướng. Kim Long từ đó trở thành vùng đất quyền quý, nổi danh với những vườn phủ đệ và sinh thành nhiều giai nhân với câu ca: “Kim Long có gái mỹ miều/ Trẫm thương, trẫm nhớ, trẫm liều, trẫm đi”. Hiện nay, Kim Long vẫn còn bảo lưu hàng chục vườn phủ đệ có kiến trúc nghệ thuật độc đáo như: Phủ Đức Quốc Công, Cẩm Xuyên quận vương, Diên phúc trưởng công chúa, Khoái Châu quận công... và nhiều nhà vườn của các gia đình danh gia vọng tộc như An Hiên, Thường Lạc Viên, Xuân Viên Tiểu Cung, Tĩnh Dật Cơ, Phú Mộng Viên…

 


Dưới triều Nguyễn, ban đầu nhà vườn ở Kim Long có quy mô khá lớn, kiến trúc nhà chính làm theo kiểu nhà kép “trùng thiềm điệp ốc” có thể lên đến 7 gian, không hề thua kém cung điện của nhà vua trong Đại nội. Từ thời vua Minh Mạng trở đi, triều đình mới ban hành luật lệ khống chế quy mô kiến trúc nhà vườn của hoàng thân quốc thích, danh gia vọng tộc xuống còn 3 gian, 2 chái, không được làm nhà kép. Do vậy, nhà vườn Kim Long vào thời điểm này có cấu trúc 1 gian 2 chái hoặc 3 gian 2 chái là phổ biến. Về sau, do những quy định trên không còn nghiêm khắc như trước nữa nên việc xây dựng nhà vườn 5 gian, 2 chái vẫn còn xuất hiện. Điển hình hiện nay ở Kim Long vẫn có những trường hợp đặc biệt thuộc dạng nhà vườn có cấu trúc nhà chính 5 gian, 2 chái như phủ thờ Đức Quốc Công, phủ thờ danh tướng Đoàn Văn Trường.

Những ngôi nhà vườn ở Kim Long thể hiện sự kết hợp giữa kiến trúc (ngôi nhà) và cảnh quan (khu vườn) một cách dụng ý tạo thành một không gian sống theo tính cách Huế với những yếu tố tuân theo quy luật “phong thủy”, bao gồm: Cổng ngõ, hàng rào, bình phong, hòn non bộ, bể cạn, sân, nhà chính, nhà phụ và vườn. Có thể nói, kiến trúc nhà vườn Kim Long giống như một Kinh thành Huế thu nhỏ, với bình phong thay núi Ngự, bể nước thế dòng sông Hương, hòn non bộ, hang động, thác nước, các loại cây cảnh, hoa và cây ăn quả… mang nhiều giá trị văn hóa nghệ thuật đặc sắc.

Hòa quyện giữa cảnh vật và thiên nhiên

Nhà vườn ở Kim Long được tạo dựng bởi tài năng, trí tuệ và công sức của những người thợ tài hoa và sử dụng những vật liệu địa phương quý hiếm, nó không chỉ là thành tựu của sự chọn lọc những giải pháp tối ưu trong xử lý kỹ thuật mà còn là một tác phẩm nghệ thuật về kiến trúc đã được đúc kết và hoàn thiện qua nhiều thế hệ. Lối vào nhà vườn được mở từ phía trước ngôi nhà bởi một con đường uốn lượn giữa hai hàng chè tàu và hai hàng cau; tiếp đến là bình phong đủ để che chắn cho ngôi nhà khỏi mọi tai ương đến từ bên ngoài, nhưng lại không quá cao để che chắn tầm nhìn khiến chủ nhân không thể thưởng ngoạn hương sắc của các loài thảo mộc trong vườn.


Phía trong, sau bức bình phong, trước ngôi nhà là một bể cạn trồng hoa súng và hòn non bộ; đây là yếu tố “minh đường” trong phong thủy. Nội thất gian chính nhà vườn là bộ mặt của gia chủ, lại là nơi thờ phụng tổ tiên ông bà nên được chủ nhân thiết trí, trang hoàng hết sức công phu so với các gian còn lại; xung quanh trang hoàng bằng các bức hoành phi, câu đối, bài thơ chữ Hán có nội dung ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên, đạo hiếu làm người và truyền thống gia tộc... Hầu hết, các thành phần cấu thành kiến trúc nhà chính như cột, kèo, liên ba, đố bản được làm bằng gỗ mít hoặc kiền kiền, chạm trổ các mô típ hoa văn rất tinh xảo, đó là mảng chạm khắc được thu nhận từ thiên nhiên vào trong nhà vườn.

Vườn hợp thể với kiến trúc, che bớt những đường nét khô cứng, hạn chế của công trình, tạo nên sự hòa hợp với cảnh quan thiên nhiên. Nét đặc trưng của nhà vườn Kim Long là tính pha tạp, đa chủng loại một cách có tính toán với các hệ cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu xứ Huế với những loài rau có thể sử dụng chế biến các món canh giàu chất dinh dưỡng trong các bữa cơm gia đình; những cây hoa phục vụ cho các buỗi lễ cúng kỵ diễn ra thường kỳ tại nhà vườn; hoa lấy hương; cây dược liệu để trị bệnh hay làm gia vị; cây cảnh tạo thế, cây ăn trái... Ngoài ra, gia chủ cũng kết hợp trồng các loại cây lấy gỗ nguyên liệu xung quanh vườn để tạo bóng mát quanh nhà.

Điểm đến lý tưởng của du khách


Từ những giá trị độc đáo về mặt kiến trúc nghệ thuật, lịch sử văn hóa của hệ thống nhà vườn Kim Long, chính quyền địa phương đã và đang thiết kế những mô hình khai thác sản phẩm du lịch nhà vườn một cách có hiệu quả, đặc biệt là loại hình du lịch sinh thái cộng đồng, hứa hẹn sẽ là những điểm đến lý tưởng với du khách trong nước và quốc tế. Ngoài việc chuẩn bị chỗ ăn, ngủ chu đáo, du khách sẽ ở chung và sinh hoạt chung với người dân địa phương như thành viên trong gia đình, thông qua những hoạt động cộng đồng đó để trải nghiệm các giá trị sống và văn hóa làng cổ Kim Long. Chủ nhân nhà vườn chính là những hướng dẫn viên sống động giới thiệu đến du khách những nét giá trị lịch sử đặc sắc trong ngôi nhà của mình. 

 


Ngày nay, cho dù diện mạo nhà vườn Kim Long đã có những thay đổi trong quá trình đô thị hóa, vẫn còn đó những ngôi nhà vườn danh tiếng hàm chứa biết bao điều kỳ bí cần phải khám phá, để du khách được cảm nhận một cách trọn vẹn thần thái, lối sống của người Huế. /.