Sử sách ghi lại tranh làng Sình xuất hiện cách đây đã hơn 400 năm, mang đậm nét đẹp truyền thống gắn với tín ngưỡng dân gian, văn hóa tâm linh của người dân Huế. Cũng là dòng tranh dân gian mộc bản nhưng tranh làng Sình khác với tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), tranh Hàng Trống (Hà Nội) vì chỉ được dùng để thờ cúng và hóa sau khi lễ. Theo quan niệm của người dân, dùng tranh để thờ cúng thì sẽ gặp rất nhiều may mắn trong cuộc sống. Bởi vậy, không chỉ người Huế, các vùng lân cận như Đà Nẵng, Quảng Trị, Quảng Nam... cũng thường chọn tranh làng Sình để sử dụng trong dịp Tết.
Để có một bức tranh, các nghệ nhân phải trải qua nhiều công đoạn, từ xén giấy, quét điệp, in tranh trên mộc bản, phơi tranh, pha mầu, tô màu, cuối cùng là điểm nhãn. Tranh chỉ in thô bằng một bản màu đen rồi tô màu lên bức tranh. Do vậy, mỗi tác phẩm sẽ không giống nhau.
Xanh dương, vàng, đơn, đỏ, đen, lục là những gam màu chủ đạo tạo nên sắc màu rực rỡ cho tranh làng Sình. Màu sắc tươi tắn cộng với đường nét và bố cục tự nhiên đã làm nên vẻ đẹp rất riêng cho dòng tranh dân gian xứ Huế. Mọi người cúng tranh để cầu cho người yên vật thịnh, phụ nữ sinh nở được mẹ tròn con vuông, trẻ em chóng lớn, người ốm chóng khỏi... Riêng tại cơ sở tranh của nghệ nhân Kỳ Hữu Phước, có làm thêm loại tranh trang trí.
Gia đình nghệ nhân Kỳ Hữu Phước đến nay đã có 9 đời gắn bó với nghề làm tranh dân gian. Sản phẩm của ông nổi tiếng trong làng và được trưng bày tại các hội chợ triển lãm tranh dân gian và các kỳ Festival Huế.
Cơ sở Tranh dân gian Kỳ Hữu Phước
Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước
Địa chỉ: Thôn Lại Ân, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế
Điện thoại: 0352871121 (Bác Phước)