menu_open
“Gia tài” của thầy giáo già Phan Chí Long ở Xứ Huế
16/11/2017 3:38:51 CH
Xem cỡ chữ:
Thầy giáo Phan Chí Long
Có một người thầy giáo tự nhận mình thuộc diện "khá giả" trong vùng, bởi với ông, sự thành đạt của các con chính là gia tài vô giá mà không phải ai cần là có và muốn thì có thể mua được. Đó chính là quan niệm của người thầy giáo - người lính đi qua hai cuộc chiến tranh: thầy Phan Chí Long ở thôn Xuân Hòa, xã Thủy Vân, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Thầy giáo Phan Chí Long

Dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm (84 tuổi), nhưng dáng người của thầy giáo già Phan Chí Long vẫn nhanh nhẹn, đặc biệt đôi mắt của thầy vẫn tinh tường vẫn đọc báo xem tivi... Khi được hỏi về bốn người con, khuôn mặt thầy như tươi sáng hẳn lên, bởi lẽ họ chính là thành quả lao động miệt mài, là trái ngọt mà vợ chồng thầy kì công lắm mới có được.

Người lính làm thầy rồi thành nông dân để nuôi được các con ăn học

Tự nhận mình không giỏi nhưng "cái gì cũng biết", nghề nào cũng đã trải qua,tay của thầy Long đã từng cầm súng, cầm thước, cầm cuốc để giờ đây thầy hoàn toàn thảnh thơi nhớ lại ngày tháng đã qua.

Như bao chàng trai của thôn Xuân Hòa, 16 tuổi người thanh niên Phan Chí Long đã theo tiếng gọi của Tổ quốc lên đường nhập ngũ. Năm 1954, thầy được tập kết ra Bắc, sau đó được đơn vị cho đi học sư phạm Văn ở trường Đại học sư phạm I - Hà Nội.

Ra trường thầy đi dạy vài năm rồi được điều động ra Bộ GD&ĐT để viết sách giáo khoa.Năm1975, thầy Long về quê đảm nhận dạy Ngữ văn ở trường THPT Nguyễn Huệ. Sống dưới thời kỳ bao cấp, bữa ăn của gia đình có đến 75% là độn bo bo của Ấn Độ với khoai, sắn cắt lát, thầy quyết định về hưu năm 1983 với mục đích "bằng mọi giá phải nuôi dạy được bốn đứa con đến nơi đến chốn".

Con gái đầu thầy Long: Thạc sĩ Phan Hà Thủy (nguồn internet)

 

Quyết định nghỉ dạy là điều khiến thầy Phan Chí Long vô cùng trăn trở. Bởi lẽ, đây là nghề mà thầy rất yêu quý và giành nhiều tâm huyết. Cuối cùng,được sự đồng thuận vợ - cô giáo Phạm Thị Hồng Quang, giáo viên THPT Phan Đăng Lưu, thầy Long tự tin hơn với việc: ở nhà dạy con cũng là giáo dục.

Vốn sinh ra trên mảnh đất thuần nông, nên "nhập thế" với thầy không khó khăn. Xin thêm mấy sào ruộng, vỡ hoang mấy đầm hồ bỏ không, thầy Long trở thành nông dân chính hiệu.

Chính vì có hiểu biết, thầy nhận thức được tầm ảnh hưởng của lượng đạm trong cá tới sự phát triển trí tuệ cho con trẻ, do vậy thời gian rảnh, thầy đi tìm các hồ nước đọng để câu cá nuôi con. Điều này, bà con thôn Xuân Hòa biết rõ.

Muốn dành nhiều thời gian cho vợ chuyên tâm công tác, tự tay thầy lo lắng chăm lo hết mọi việc trong nhà. Từ ruộng vườn,nuôi heo, cơm nước,giặt giũ đến tắm rửa,đưa đón con đi học. Nhìn vào bảng vàng thành tích mà các con của thầy Long đạt được ngày hôm nay,hẳn không ai không ngưỡng mộ cha con thầy.

Nhà thầy có ba người con gái,một cậu con trai út, tuổi tác sàn sàn nhau, nhưng ở họ có cùng một mẫu số chung: chung trường Quốc học Huế, chung trường Đại học sư phạm Huế và nhất là chung sở trường đam mê nghiên cứu khoa học.

Người con đầu là chị Phan Hà Thủy (sinh năm 1969), thạc sĩ Anh Văn, hiện là Tổng giám đốc hệ thống giáo dục Vinshool.

Người con thứ hai là chị Phan Hải Đường (sinh năm 1972),tốt nghiệp sư phạm Ngữ Văn,hiện đang công tác tại ngân hàng Vietcombank, chi nhánh TP Hồ Chí Minh.

Con gái thứ ba là chị Phan Hồng Nhung (sinh năm 1974) tốt nghiệp sư phạm Anh Văn, thạc sĩ quản trị kinh doanh, hiện là chuyên gia kinh tế công tác và sống ở Úc.

Niềm tự hào lớn nhất của dòng họ cũng như gia đình thầy được gửi trọn ở người con trai út, anh Phan Bảo Ngọc (sinh năm 1975). Tốt nghiệp với tấm bằng xuất sắc khoa Vật lý trường Đại học Sư phạm Huế, anh Ngọc được đi du học và nhận luôn bằng Tiến sĩ tại trường Đại học Pais Pháp. Năm 2014, anh được nhà nước phong hàm Phó giáo sư.

Là một trong số nhà thiên văn học hiếm hoi của Việt Nam, anh Ngọc vinh dự được nhận giải thưởng quốc tế cho công trình nghiên cứu "Phương pháp quan sát các ngôi sao Lùn nâu".  Hiện anh đảm nhiệm trưởng bộ môn Vật lý trường Đại học Quốc tế TP Hồ Chí Minh.

Cha ông ta có câu "con hơn cha là nhà có phúc", điều này đúng với gia đình nhà giáo Phan Chí Long. Không chỉ con cái thành đạt, cháu ngoại đầu của thầy là Tôn Thất Quý Hiền cũng vừa bảo vệ xong luận án Tiến sĩ Tâm lý tại Mỹ. Nhìn lại chặng đường gian khó mà vợ chồng con cái đã trải qua, thầy giáo già chia sẻ: "Các bạn trẻ đừng nhìn gia đình chúng tôi ở thời điểm hiện tại.

Bởi nếu cha mẹ không biết hy sinh, định hướng nghề nghiệp và nuôi dưỡng đam mê cho các con, thì đừng trông chờ con cái ngoan và thành đạt". Chính vì hết lòng, hết sức cho con, mà trong tâm trí của chị Phan Hồng Nhung vẫn luôn nhớ " ba đi bộ 5 cây số dưới trời mưa đón chị em tôi đi học về" và nhất là "hình ảnh người cha nghèo đi gánh nước sông về giặt áo quần cho con gái" để chị em cô không ảnh hưởng việc học hành.

Là thầy giáo già hết lòng vì công tác khuyến học


Con trai Thầy Long: PGS- TS Phan Bảo Ngọc (nguồn internet)

 

Khi nói đến thầy Long, anh Ngô Văn Dũng- Phó Chủ tịch xã Thủy Vân khẳng định "Ở xã tôi, chưa có một ai tâm huyết và dốc lòng vì sự nghiệp giáo dục và khuyến học như thầy Long". Với tâm niệm "sống phải thực ở đời", "cho con cho cháu tiền rồi cũng tiêu hết, nhưng cho cái chữ là nó giữ muôn đời". Muốn thoát khỏi đói nghèo không có con đường nào tốt hơn bằng tiếp cận tri thức, đó cũng là điều mà thầy giáo già luôn nhắc nhở mọi người.

Đề cao chữ nghĩa, sống trọng tình cảm, ngôi nhà nhỏ của thầy Long trở thành địa chỉ của biết bao thế hệ học sinh trong vùng đến hỏi bài. Bài văn nào không hiểu "cứ hỏi ông Long", cháu nào chưa ngoan "nhờ ông Long khuyên bảo". Tận tụy, tận tâm trong giáo dục điều mà ai cũng cảm nhận rất rõ khi tiếp xúc với thầy.

Là người khởi xướng và đứng ra quyên góp, huy động quỹ khuyến học đầu tiên ở xã Thủy Vân, đến nay đã gần 20 năm. Dù tuổi cao sức kém, nhưng bóng dáng người thầy vẫn đi từng nhà động viên bà con đầu tư cho con cái học hành. Người dân quê ông vẫn còn nghèo nên việc đóng góp để duy trì quỹ khuyến học là công việc gian nan.

Thu không đủ chi, thầy Long đã bàn với vợ và con cái mình ủng hộ thêm vào. Đã thế, những cháu nào học giỏi xuất sắc, gia đình thầy còn có quà tặng riêng để động viên các cháu học tốt hơn. Chính vì tấm lòng thơm thảo của mình, thầy được bà con thôn Xuân Hòa đặc biệt yêu mến và kính nể.

Trưởng thành từ trong khói lửa chiến tranh, chứng kiến và trải qua thiếu thốn gian khó của quê hương đất nước, thế hệ thầy cũng như chính bản thân người giáo già luôn ý thức "đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí". Chính vì vậy,chọn cho mình lẽ sống“trách nhiệm với gia đình, gắn bó với quê hương”, là điều mà Thầy Phan Chí Long suốt đời làm trọn.

Quỳnh Lâm