Năm 1895, khi thực dân Pháp tiến hành quy hoạch, điều chỉnh lại đường phố Huế, nhiều nơi trong Thành Nội đã phát hiện được hố chôn tập thể của hàng trăm hài cốt, tập trung nhiều nhất ở rãnh cống khu vực Hồ Phu Văn (miếu Âm Hồn ngày nay). Đây là hài cốt của những người chết trong biến cố “Thất thủ kinh đô” đêm ngày 22 rạng ngày 23 tháng 5 năm Ất Dậu (tức ngày 5 tháng 7 năm 1885).
Theo sách Đại Nam thực lục, ngày 23/5/1885, Kinh thành Huế thất thủ trước sự tấn công của quân Pháp, hàng nghìn quan quân và dân chúng chết trong cảnh binh đao hỗn loạn. Năm 1894, vua Thành Thái cho xây Đàn Âm Hồn và hàng năm vào ngày 23/5 Âm lịch, triều Nguyễn đều cử hành lễ tế.
Đàn được xây dựng tại địa điểm diễn ra trận tập kích với quy mô lớn do quan đại thần Tôn Thất Thuyết và em trai ông trực tiếp chỉ huy nhằm tiêu diệt đội quân hùng hậu của Pháp mới tăng cường. Theo sử sách, cuộc tập kích đã thất bại. Tại nơi xảy ra trận chiến, toàn bộ số binh sĩ triều đình tử trận, một phần bị quân Pháp vứt xuống sông, một số bị đem thiêu, làm cho cả kinh thành sống trong mùi xú uế hàng tháng trời. Trong khoảng thời gian sau đó, dân cư sống gần khu vực này không được yên ổn, liên tục xảy ra hỏa hoạn, bất an. Trong dân chúng bắt đầu xuất hiện tin đồn rằng vong hồn những người chết trận đã gây nên hỏa hoạn do không được thờ cúng. Để trấn an người dân, vào năm 1894, triều đình Huế đã cho lập đàn thờ các binh sĩ tử trận, gọi là đàn Âm hồn.
Để tưởng nhớ những người đã chết vì vận nước, nhân dân tự quyên góp tiền của, xây dựng ngôi miếu Âm Hồn và lấy ngày thất thủ kinh đô 23 tháng 5 hàng năm làm ngày húy kị “quảy cơm chung”. Lễ cúng âm hồn được tổ chức chu đáo theo nghi thức thờ cúng tín ngưỡng cổ truyền ở Huế, với những bài văn tế thống thiết, ai oán: Ca ngợi tinh thần chiến đấu chống ngoại xâm của quan và quân triều đình Huế, tố cáo tội ác của giặc ngoại xâm và khóc than cho những linh hồn tử nạn.
Trong thời gian 15 năm bị giam lỏng ở Bến Ngự (1925-1940), chí sĩ Phan Bội Châu từng đến dự lễ tế âm hồn 23 tháng 5 tại đàn Âm Hồn và ông đã làm một "Văn tế cô hồn 23 tháng 5 ở Kinh thành Huế" rất thống thiết. Nhiều người Huế còn thuộc bài văn tế này và bài văn đã được ghi lại đưa vào Phan Bội Châu Toàn tập (t.6, NXB Thuận Hoá, 1990, tr. 358). Kết thúc bài văn tế ông viết:
"Cùng cha chú bác thím mợ cô dì ta cả thày, đau đoạn sau càng đau đoạn trước, tình nhất sinh nhất tử sơ khác gì thân.
Nầy hương hoa vàng giấy xôi rượu chuối chè, chút gọi rằng nếm lấy hơi xin nếm lấy lòng, nghĩa đồng chủng đồng bào thác xem như sống.
Hỡi tinh linh các đấng, phù trì cho Tổ quốc trường tồn.
Nay quốc ngữ vài hàng, ao ước những chí thành năng động."
Những năm tháng sống tại ngôi nhà 112 Mai Thúc Loan, Nguyễn Sinh Cung thường đến xem các buổi lễ cúng tế ở Miếu Âm Hồn nghe những bài văn tế bi ai thống thiết, cảm thương cho đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh vì vận nước. Chính những bài văn tế đã khơi dậy trong tâm hồn Nguyễn Sinh Cung tình cảm thương dân, yêu nước và lòng căm thù giặc sâu sắc. Đây chính là một trong những nhân tố góp phần hun đúc nên nhận thức và tình yêu quê hương, đất nước sâu nặng của Nguyễn Sinh Cung - Hồ Chí Minh.