menu_open
"Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam": Nguồn lực phát triển của Thừa Thiên Huế
Xem cỡ chữ:
Áo dài đúng nghĩa - áo ngũ thân được sinh ra tại Huế từ nửa đầu thế kỷ XVIII, gắn liền với vai trò đặc biệt của chúa Nguyễn Phúc Khoát, tên gọi Áo dài Huế có lẽ cũng bắt đầu từ đây.

Cán bộ Hội LH Phụ nữ tỉnh Thừa Thiên Huế mặc áo ngũ thân tham quan Hoàng cung Huế - Ảnh: Bảo Minh

Đến giữa thế kỷ ấy, áo ngũ thân đã phổ biến ở toàn bộ Đàng Trong, và sang giữa thế kỷ XIX, loại trang phục này đã phổ biến rộng khắp trên toàn cõi Đại Nam, trở thành quốc phục của người Việt, với cả hai giới, nam và nữ. Trong thời Nguyễn, Huế xứng danh là Kinh đô áo dài của đất nước bởi là nơi tập trung các loại hình trang phục áo dài phong phú và đẹp nhất, từ các loại triều phục, phẩm phục dành cho vua chúa, hoàng gia, quan lại quý tộc; nhung phục dành cho võ quan, binh lính; tế phục, tang phục và thường phục dành cho mọi tầng lớn nhân dân. Nghĩa là áo dài đã sinh ra từ Huế, tỏa sáng ở Huế, trở thành biểu trưng của một chế độ văn minh “Y quan rực rỡ”, biểu tượng cho sự thống nhất về văn hóa của một dân tộc dòng dõi con Rồng cháu Tiên.

Việc xây dựng thương hiệu “Huế - kinh đô áo dài Việt Nam” thực ra là câu chuyện phục hưng một di sản văn hóa truyền thống, đưa di sản ấy vào cuộc sống đương đại, và để nó tỏa sáng như vốn đã từng. Nhưng còn hơn thế, sự tỏa sáng của “Kinh đô áo dài” không chỉ là thương hiệu về văn hóa, mà còn vì sự phát triển bền vững của chính Thừa Thiên Huế, một vùng đất rất giàu có về di sản nhưng đang còn lúng túng giữa bảo tồn và phát triển.

Phục hưng áo dài, để mỗi khi nghĩ đến Huế là người ta phải nghĩ đến xứ sở của áo dài, phải khát khao được đến Huế để nhìn ngắm, trải nghiệm mặc áo dài, may áo dài cho bản thân và làm quà tặng cho bạn bè, người thân...

Phục hưng áo dài là để phục hồi cả một hệ thống ngành nghề liên quan đến áo dài: Tạo vùng nguyên liệu, dệt vải, nhuộm, thiết kết, đo may, làm các phụ kiện liên quan, quảng bá, phân phối sản phẩm..., từ đó có thể tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn người.

Phục hưng áo dài là để từng bước đào tạo, bồi đắp, nâng tầm các nghệ nhân áo dài của Huế, để Huế có một đội ngũ nghệ nhân tài hoa, nổi tiếng, góp phần quảng bá, nâng cao thương hiệu văn hóa Huế.

Và như thế, phục hưng áo dài sẽ góp phần quan trọng cho việc phát triển kinh tế, xã hội của cố đô Huế, nâng cao mức sống của người dân. Năm 2019, trước đại dịch COVID-19, Thừa Thiên Huế đã đón hơn 4,85 triệu lượt khách; mục tiêu đến năm 2030 sẽ đón 7 triệu lượt khách; nếu Huế thực sự trở thành kinh đô áo dài, để khoảng 40-50% du khách đến Huế may áo dài, thì 10 năm nữa doanh thu từ ngành này có thể đạt khoảng 2.800-3.500 tỷ đồng hằng năm (tính trung bình mỗi khách chi 1 triệu cho may áo dài và các phụ kiện liên quan). Đó là một con số không hề nhỏ! Áo dài sẽ góp phần làm cho Huế trở thành một xứ sở giàu có mà vẫn đài các, sang trọng; bản sắc văn hóa Huế càng trở nên đậm đà, quyến rũ.

Vậy nhưng phục hưng áo dài không hề đơn giản! 

Thời gian và những biến động lịch sử đã khiến thân phận chiếc áo dài mong manh nhiều lúc đã bị vùi lấp, chà đạp, bị hiểu sai một cách méo mó. Nếu chiếc áo dài nữ đã may mắn được nhìn nhận và phục hưng một cách ngoạn mục, thậm chí đã trở thành biểu tượng về vẻ đẹp trang phục của người phụ nữ Việt Nam, thì chiếc áo dài nam lại kém may mắn hơn nhiều. Cho đến nay, trong nhận thức của một bộ phận không nhỏ người Việt, áo dài nam vẫn bị gán ghép, đánh đồng với những gì được xem là cổ hủ, lạc hậu, thậm chí còn biểu tượng cho bọn cường hào, ác bá thời quân chủ phong kiến. Rất may là trong vài năm trở lại đây, áo dài nam đã từng bước được giải oan và được đối xử bình đẳng với áo dài nữ. Phong trào nghiên cứu, phục hồi cổ phục bao gồm cả áo dài nam và nữ, đưa di sản này vào cuộc sống đương đại đã được đông đảo giới trẻ đón nhận nồng nhiệt. Và Huế là một trong những địa phương dẫn đầu phong trào này.

Việc UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao cho Sở Văn hóa và Thể thao nghiên cứu, triển khai đề án “Huế- kinh đô áo dài Việt Nam” là rất phù hợp với xu thế thời đại, phù hợp với chủ trương “phát triển nhanh và bền vững, dựa trên nền tảng của di sản, văn hóa và bảo tồn bản sắc văn hóa Huế” mà Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị đã chỉ rõ về con đường xây dựng và phát triển của Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đề án này cũng rất phù hợp với Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 mà Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt ngày 12/11/2021 (Quyết định 1909/QĐ-TTg), trong đó 1 trong 5 quan điểm cơ bản là: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học”. Việc triển khai thành công đề án sẽ là một ví dụ cụ thể, điển hình về việc đóng góp của công nghiệp văn hóa cho mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước (Áo dài vừa thuộc lĩnh vực thủ công mỹ nghệ truyền thống, vừa thuộc lĩnh vực thiết kế thời trang).


Xuân về trên cầu Ngói - Ảnh: Bảo Minh

Ngày hội áo dài Huế được tổ chức thường niên kể từ năm 2020 chỉ là bước khởi đầu. Câu chuyện về áo dài hẳn còn rất dài bởi phía trước vẫn còn không ít khó khăn thử thách.

Sở Văn hóa và Thể thao đã đi tiên phong, không chỉ trong việc tổ chức hội thảo khoa học, sưu tầm, số hóa các tư liệu liên quan, xây dựng hồ sơ về áo dài với tư cách là một di sản, mà còn đưa áo dài vào cuộc sống thường nhật, trong các lễ hội văn hóa, thể thao, lễ Chào cờ nơi công sở…

Sở Giáo dục sau khi đã phổ biến áo dài nữ ở chốn học đường khối trung học phổ thông, cũng đã và đang thử nghiệm đưa áo dài nam vào trong các hoạt động quan trọng của ngành. Tại lễ tôn vinh học sinh danh dự toàn tỉnh vào tháng 12/2020, hàng trăm thầy cô giáo và các em học sinh đã mặc áo dài truyền thống tham dự lễ, tạo nên một không khí trang nghiêm và đầy bản sắc. Và sau sự kiện đó, áo dài càng lan tỏa mạnh mẽ trong ngành giáo dục tại cố đô.

Và tiếp đến, khối du lịch, dịch vụ và quản lý di tích gồm Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch, Hiệp hội Lữ hành, Hiệp hội Khách sạn, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng đã đồng hành cùng ngành Văn hóa Thể thao, ngành Giáo dục để áo dài Huế nhanh chóng lan tỏa mạnh mẽ, góp phần xây dựng thương hiệu Huế kinh đô áo dài Việt Nam. 

Trong một loạt các sự kiện diễn ra trong năm 2021 và đầu năm 2022, áo dài đã được ngành du lịch và bảo tồn di tích quan tâm đầu tư, tạo nên những hình ảnh rất đẹp cho Huế, như tổ chức các tour du lịch Áo dài &khám phá Huế trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXII (tháng 11/2021), tổ chức Lễ Ban sóc vào ngày đầu tiên năm 2022, các hoạt động đón tết, vui xuân trong dịp tết Nhâm Dần…

Bản thân ông Phan Ngọc Thọ, khi còn ở cương vị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hay chuyển qua cương vị mới là Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy vẫn luôn là tấm gương tuyệt vời khi mặc áo dài tham dự hội thảo khoa học, tiếp đón Đại sứ Australia, tham dự lễ tuyên dương học sinh danh dự toàn tỉnh, tham gia ngày hội áo dài Huế, đọc thư chúc mừng năm mới, tham dự các sự kiện văn hóa truyền thống… Hình ảnh của ông với chiếc áo ngũ thân truyền thống đã tạo nên sự ủng hộ và nguồn cảm hứng mạnh mẽ đối với cộng đồng nhân dân trong và ngoài nước. Chính ông đã tạo nên sự khích lệ rất lớn để toàn thể lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế may áo dài và mặc áo dài ngũ thân truyền thống để tham dự Lễ hội Đền Huyền Trân Công chúa vào ngày mùng 9 tháng Giêng năm Nhâm Dần.

*

Từ hàng thế kỷ trước, Chúa Nguyễn Phúc Khoát, Vua Minh Mạng đã biến Huế thành quê hương của áo dài, kinh đô áo dài Việt Nam. Và di sản vô giá ấy đã được trao gửi cho thế hệ người Huế, người Việt Nam hôm nay. Di sản ấy có tỏa sáng, tạo nên hình ảnh đầy bản sắc của người Việt Nam trong thời đại hội nhập và biến thành nguồn lực cho sự phát triển hay không, đều là do chúng ta quyết định!


Cán bộ Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế mặc áo ngũ thân trong Lễ Hạ nêu - Ảnh: Philip

Một trong những mục tiêu cụ thể của Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030:

“Phấn đấu giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp văn hóa, nhất là các ngành điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo đóng góp 7% GDP; mức tăng trưởng giá trị gia tăng hàng năm trung bình đạt 7%. Phấn đấu có từ 1 đến 3 thành phố sáng tạo thuộc mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO ở các lĩnh vực thiết kế, ẩm thực, thủ công và nghệ thuật dân gian, nghệ thuật truyền thông nghe nhìn, điện ảnh, văn học, âm nhạc”.

TS. PHAN THANH HẢI
Nguồn: Tạp chí VHNT số 493, tháng 3-2022